Với tốc độ bùng nổ của ngành hàng không, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã HVN) đang bị cạnh tranh gay gắt với các đối thủ khác như Bamboo Airways và Vietjet Air. Cuối tuần qua, Vietnam Airlines báo tin kém vui với các nhà đầu tư khi doanh khi hợp nhất ước đạt 51.662 tỉ đồng, tăng gần 6% cùng kỳ và hoàn thành 36% kế hoạch năm. Song, lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 1.650 tỉ đồng, giảm 11% và thực hiện 49% kế hoạch năm.
Đặc biệt, trong quý 2, Vietnam Airlines đạt doanh thu hợp nhất 25.910 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 71 tỉ đồng, giảm tới 83% cùng kỳ năm trước (1.855 tỉ đồng).
Doanh nghiệp đang đứng ở tốp đầu phân khúc hàng trang sức, Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã PNJ) cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý 2 với doanh thu thuần giảm 8%, còn 2.962 tỉ đồng. Trong quý vừa qua, PNJ chịu chi phí lãi vay lớn hơn khiến chi phí tài chính tăng 62%, lên 22 tỉ đồng. Bên cạnh đó, chi phí quản lý cũng tăng gấp rưỡi lên 116 tỉ và chi phí bán hàng tăng 7%, lên 287 tỉ đồng.
Với diễn biến trên, PNJ báo lợi nhuận sụt giảm hơn 6% trong quý 2, chỉ còn 169 tỉ đồng. Đây là quý có lợi nhuận thấp nhất kể từ quý 3.2017.
Một “ông lớn” khác đang thuộc sở hữu của nhà nước và nằm trong ngành mũi nhọn xuất khẩu về dầu khí là Tổng Công ty khí Việt Nam (PVGas). Tập đoàn này có doanh thu thuần tăng nhẹ lên 20.353 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp còn 4.439 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo PVGas, lợi nhuận giảm là do dầu bình quân quý 2 năm nay đạt 68,82 USD/thùng giảm 7% so với cùng kỳ đã tác động đến doanh thu.
|
Ở lĩnh vực xây dựng, CTCP Xây dựng Coteccons (mã CTD) công bố doanh thu thuần quý 2 giảm 30% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 70%, đạt 124 tỉ đồng. Lũy kế 6 tháng, Coteccons đạt doanh thu thuần 10.038 tỉ đồng và lãi sau thuế 313 tỉ đồng, giảm lần lượt 20% và 56% so với cùng kỳ năm trước.
Sức khoẻ của doanh nghiệp yếu đi phù hợp với số liệu Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2 năm 2019 chỉ tăng 6,71% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tăng trưởng quý 2.2018 là 0,02%. Nguyên nhân chính, theo đánh giá của Tổng cục thống kê, những căng thẳng gần đây giữa các nền kinh tế lớn khiến thương mại và đầu tư thế giới giảm, niềm tin kinh doanh toàn cầu giảm sút, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế quốc tế phải đối mặt với thời kỳ “bất trắc cao” khi 70% nền kinh tế thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển rơi vào tăng trưởng chậm lại.
Với độ mở nền kinh tế cao, phụ thuộc vào xuất khẩu, sức cạnh tranh đa phần còn yếu, sức khoẻ của doanh nghiệp năm nay chắc chắn sẽ còn rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Bình luận (0)