Nhiều trạm y tế xã trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã xuống cấp nghiêm trọng, một số trạm phải đi ở nhờ, trang thiết bị thiếu thốn, gây khó khăn cho công tác khám chữa bệnh.
Trạm y tế xã Khánh Thượng xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: Đinh Dụng
|
Trụ sở Trạm y tế xã Gia Tiến (huyện Gia Viễn) là một ngôi nhà mái bằng cũ kỹ không tường bao, không biển báo, nằm chơ lơ gần cánh đồng. Tường và trần nhà nhiều mảnh vữa bị bong tróc, lớp vôi ve cũng đã “nhuốm màu thời gian”, rất lem nhem và ẩm thấp.
Y sĩ Đỗ Thị Vân, Trạm trưởng Trạm y tế xã Gia Tiến cho biết: “Cả trạm chỉ có 3 phòng rộng tổng cộng 60 m2 nhưng đều phải kiêm nhiệm nhiều chức năng. Phòng hành chính cũng là phòng họp, kiêm phòng trực và phòng tiêm. Phòng sinh đẻ phải chia đôi, một nửa cho việc sinh đẻ, nửa còn lại làm phòng chờ sau sinh”, bà Vân nói.
Trụ sở trạm y tế xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô) là dãy nhà cấp 4 dột nát, tường bị nứt và loang lổ vì ẩm mốc.
“Ngày nắng còn đỡ chứ ngày mưa thì trong nhà cũng bị ướt. Chúng tôi phải dọn lên phòng trực để ở, đây là gian mái bằng duy nhất còn chắc chắn”, bà Vũ Thị Đào, Trạm trưởng trạm y tế xã Khánh Thượng kể.
Tương tự, toàn bộ khuôn viên Trạm y tế xã Văn Hải (huyện Kim Sơn) thấp hơn mặt đường tỉnh lộ 481, nên mỗi khi trời mưa lại biến thành một cái ao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc khám chữa bệnh.
Không có trụ sở riêng, Trạm y tế xã Gia Vượng (huyện Gia Viễn) phải “ở nhờ” Phòng Truyền thông dân số của xã. Ông Hà Ngọc Thúy, Phó chủ tịch UBND xã Gia Vượng cho biết: “Chúng tôi có thể bố trí được mặt bằng nhưng nguồn vốn để xây dựng trạm y tế thì chưa biết nhìn vào đâu. Gia Vượng là xã thuần nông, thu ngân sách hằng năm không đáng kể”.
Không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh của các trạm cũng rất thiếu thốn. Theo bà Vân, Trạm y tế xã Gia Tiến chưa có những trang thiết bị cơ bản nhất như: tủ sấy dụng cụ, nồi hấp, máy hút nhớt cho trẻ sơ sinh, máy nghe tim thai… gây khó khăn cho công tác chuyên môn.
“Có những lúc trẻ sinh xong bị sặc nước ối, chúng tôi phải dùng miệng để hút hoặc dùng tay móc họng cho trẻ nôn ra, vừa mất vệ sinh vừa không đảm bảo an toàn” bà Vân nói.
Ông Đỗ Ngọc Cảnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Gia Viễn cho biết do trụ sở nhiều trạm y tế xã trên địa bàn được xây dựng đã lâu nên xuống cấp. Các xã phải chủ động về kinh phí để xây dựng, cải tạo nhưng hầu hết các xã trong huyện đều là xã nghèo nên gặp khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.
Bình luận (0)