Hàng loạt vệ tinh có thể biến thành vũ khí chết người

Khánh An
Khánh An
17/02/2020 07:52 GMT+7

Tin tặc có thể chiếm quyền điều khiển vệ tinh để phá hoại hệ thống hạ tầng ở trái đất hoặc lao vào Trạm không gian quốc tế (ISS).

Tập đoàn SpaceX của tỉ phú Elon Musk (Mỹ) vừa sở hữu số vệ tinh kỷ lục trên quỹ đạo với 242 vệ tinh đang hoạt động, bên cạnh kế hoạch phóng thêm 42.000 vệ tinh trong thập niên tới. Nhiều công ty khác cũng công bố kế hoạch phóng hàng ngàn vệ tinh lên quỹ đạo, hứa hẹn đem lại cuộc cách mạng lớn trong nhiều lĩnh vực, từ cung cấp internet tại những nơi xa xôi nhất đến quan sát môi trường và cải thiện hệ thống định vị toàn cầu.
Tuy nhiên, theo chuyên san The Conversation, với khoảng 2.000 vệ tinh hiện đang hoạt động trên quỹ đạo tầm thấp của trái đất, khả năng chúng bị tấn công mạng và trở thành vũ khí chết người đang là nỗi ám ảnh lớn trong lĩnh vực quản lý và điều khiển vệ tinh.
Vào năm 1998, tin tặc từng chiếm quyền điều khiển vệ tinh ROSAT x-ray của Mỹ và Đức bằng cách xâm nhập vào các máy tính ở Trung tâm bay không gian Goddard ở Maryland (Mỹ). Chúng điều khiển các tấm pin mặt trời quay trực tiếp về hướng nắng khiến pin bị “nướng” và vệ tinh hỏng nên rơi trở lại trái đất vào năm 2011.
Vào năm 2008, tin tặc điều khiển 2 vệ tinh của NASA trong vài phút trước khi cơ quan này giành lại quyền kiểm soát. Đến năm 2018, các tin tặc Trung Quốc và Iran bị nghi đã tiến hành chiến dịch phức tạp nhằm vào các tổ chức điều khiển vệ tinh và nhà thầu quốc phòng Mỹ.
Theo chuyên gia William Akoto tại Đại học Denver (Mỹ), các vệ tinh hiện rất dễ bị xâm nhập do thiếu các tiêu chuẩn an ninh mạng và quy định chung về vệ tinh thương mại tại Mỹ cũng như toàn cầu. “Tin tặc có thể tắt các vệ tinh, từ chối truy cập dịch vụ, gây nhiễu hoặc thay đổi tín hiệu nhằm phá hoại hạ tầng trọng yếu như mạng lưới cung cấp điện, nước hay hệ thống giao thông”, ông cảnh báo.
Một số vệ tinh có bộ phận đẩy để tăng, giảm tốc độ hoặc chuyển hướng. Một khi tin tặc chiếm quyền điều khiển, chúng có thể thay đổi quỹ đạo để lao vào các vệ tinh khác hoặc Trạm không gian quốc tế (ISS).
Nhiều vệ tinh nhỏ sử dụng công nghệ phần mềm sẵn sàng phổ biến và thương mại hóa (COTS) để giảm chi phí khiến tin tặc dễ dàng tìm và phân tích các linh kiện. “Hơn nữa, nhiều linh kiện dựa vào công nghệ nguồn mở nên tin tặc có thể lén đặt các cổng sau hoặc lỗ hổng vào phần mềm của vệ tinh”, theo ông Akoto.
Chưa hết, nhiều bên khác nhau thường cùng tham gia vào quá trình chế tạo linh kiện, đưa vệ tinh lên quỹ đạo và các tổ chức sở hữu còn thuê công ty khác quản lý hoặc khai thác nên tạo nhiều cơ hội cho tin tặc xâm nhập vào hệ thống. Giới chuyên gia cảnh báo việc tấn công các vệ tinh này có thể chỉ đơn giản là “chờ chúng bay qua đầu và gửi các lệnh phá hoại lên bằng ăng ten đặc biệt trên mặt đất”. Các vệ tinh thường được điều khiển từ các trạm mặt đất và chính những máy tính tại các trạm này cũng có thể bị tin tặc xâm nhập.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.