Hàng ngàn cây xăng nguy cơ bị rút phép

Nguyên Nga
Nguyên Nga
05/03/2024 06:43 GMT+7

"Dứt khoát thu hồi giấy phép, nếu cửa hàng xăng dầu không sử dụng hóa đơn điện tử trong tháng 3", Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ diễn ra vào cuối tuần qua.

Những cây xăng chưa kết nối, nghĩa là chưa xuất hóa đơn bán lẻ từng lần..., sẽ bị đóng cửa nếu không thực hiện gấp quy định này.

Gần 9.500 cửa hàng chưa kết nối

Cập nhật đến ngày 26.2, Bộ Tài chính cho biết, cả nước có khoảng 7.542 cây xăng trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định của luật Quản lý thuế. Số lượng này tăng 5.849 cửa hàng so với thời điểm ngày 1.12.2023 và tăng hơn 1.000 cửa hàng so với ngày 1.2.2024. Còn theo báo cáo của ngành thuế, có nhiều địa phương đã có cửa hàng xăng dầu bán lẻ đầu tư và thực hiện hóa đơn điện tử xăng dầu đạt trên dưới 90%, thậm chí có địa phương đã áp dụng 100%.

Hàng ngàn cây xăng nguy cơ bị rút phép- Ảnh 1.

Petrolimex cho biết, hóa đơn điện tử tại cửa hàng xăng dầu đảm bảo phát hành ngay sau từng lần bán hàng cho khách hàng lấy hóa đơn và cả không lấy hóa đơn

ĐÀO NGỌC THẠCH

Như vậy, đến nay vẫn còn gần 9.500 cửa hàng bán lẻ xăng dầu chưa áp dụng xuất hóa đơn từng lần bán hàng, và đến cuối tháng 3 này nếu không thực hiện sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Trước đó, đại diện nhiều cây xăng cũng than phiền khó khăn, vướng mắc trong thực hiện việc này. Tuy nhiên ông Trần Đình Sơn, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phước An (Đồng Nai), nhấn mạnh: "Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu lớn áp dụng hóa đơn điện tử rất sớm, như công ty chúng tôi quản lý dữ liệu, áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2016.

Tập đoàn xăng dầu VN (Petrolimex) - đơn vị có 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu - cũng đã áp dụng quản lý dữ liệu từ năm 2014, áp dụng hóa đơn điện tử từ năm 2018. Các cửa hàng đã áp dụng hóa đơn điện tử thì có thể xuất hóa đơn từng lần bán khi khách có yêu cầu. Còn lại cứ lưu lên hệ thống từng lần bán, dữ liệu được tích hợp lên máy chủ kết nối với cơ quan thuế. Từ đó, cơ quan thuế khi cần có thể tra cứu sẽ lên hệ thống xem. Thế nên, cần tuyên truyền và hiểu bản chất vấn đề là lưu trữ từng lần bán lên hệ thống mới đúng".

Hàng ngàn cây xăng nguy cơ bị rút phép

Petrolimex là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng hóa đơn điện tử. Với khách hàng lẻ không lấy hóa đơn, đại diện Petrolimex cho hay, các cửa hàng lưu trữ theo từng lần bán và xuất hóa đơn điện tử tổng hợp sau mỗi 30 phút hay 1 tiếng, tùy cửa hàng. 2.700 cửa hàng của Petrolimex đều có thể phát hành hóa đơn sau từng lần bán hàng theo mọi nhu cầu. Tuy vậy, việc phát hành hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán hàng vẫn chủ yếu được thực hiện ở các khách hàng lớn, chiếm tỷ trọng khoảng 4 - 5%, còn lại là khách hàng cá nhân không lấy hóa đơn, chiếm tỷ trọng 95 - 96%.

Với nhóm này, Petrolimex cho biết đã có sẵn dữ liệu, nên chỉ cần truy cập hệ thống, dữ liệu sẽ được tự động cập nhật vào hóa đơn để phát hành. Một số khách hàng lớn như các đơn vị vận chuyển, Petrolimex còn kết nối trực tiếp với hệ thống kế toán để truyền dữ liệu hóa đơn trực tiếp sang đơn vị, giúp tài xế không phải mất công lấy từng hóa đơn lẻ. Với những khách hàng không có nhu cầu lấy hóa đơn, các dữ liệu được ghi nhận đồng bộ để chuyển thẳng về cơ quan thuế.

Không có lý do để trì hoãn

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế tài chính, cho rằng quy định áp dụng hóa đơn điện tử trong từng lần bán lẻ xăng dầu đáng lẽ Chính phủ đã "siết" ngay trong tháng 12.2023. Tuy nhiên, cá nhân ông cũng như một số chuyên gia cho rằng, nên có thời gian để doanh nghiệp chuẩn bị, tính toán công nghệ, lựa chọn phần mềm, chi phí… Đặc biệt, cần có thời gian cho cơ quan quản lý thuế hướng dẫn, triển khai và hỗ trợ.

Như vậy, sau 3 tháng, đã có thời gian, công nghệ, thậm chí không biết áp dụng công nghệ nào, cơ quan quản lý giới thiệu luôn để tham khảo. Thế nên, không có lý gì nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu đã thực hiện, các cửa hàng khác lại không. Nếu yêu cầu bình đẳng, minh bạch trong kinh doanh xăng dầu, việc áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu với cơ quan thuế là một trong những yêu cầu bắt buộc.

"Đã đến lúc phải đưa quy định hóa đơn điện tử từng lần bán trong ngành xăng dầu vào "guồng" quản lý, bởi bán lẻ xăng dầu được áp dụng trễ nhất, các lĩnh vực kinh doanh khác đã áp dụng từ tháng 7.2022. Trong thực tế, việc cửa hàng bán lẻ xuất hóa đơn từng lần bán cho khách mua không quan trọng bằng việc lưu dữ liệu từng lần bán lên hệ thống và xuất hóa đơn điện tử cũng lưu trên hệ thống. Việc đầu tư hệ thống hóa đơn điện tử là bắt buộc.

Từ đó, việc kết nối dữ liệu bán ra nhập vào tại mỗi cửa hàng xăng dầu phải kết nối về máy chủ của doanh nghiệp, kết nối thẳng lên hệ thống cơ quan quản lý rõ ràng, chính xác hơn. Việc lập và xuất hóa đơn điện tử sẽ có phần mềm thực hiện tự động. Do đó, số lượng hóa đơn đã xuất ra sẽ được lưu trữ bằng hình thức điện tử mà không phải in ra, hạn chế tình trạng thất thoát và giúp các cửa hàng kinh doanh đảm bảo việc tra cứu chính xác khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu", ông Thịnh nhấn mạnh.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng về nguyên tắc, việc đưa ra một deadline (thời hạn chót) cho việc áp dụng hóa đơn điện tử từng lần bán hàng trong kinh doanh xăng dầu là cần thiết. Và chỉ đạo của Thủ tướng trong tháng 3 này là một deadline đáng lưu tâm nếu doanh nghiệp cố tình không thực thi. "Không thể để một quy định khiến thị trường minh bạch hơn lại phải dời từ tháng này sang tháng khác được.

Việc triển khai hóa đơn điện tử trở thành xu hướng tất yếu cho mọi ngành nghề, trong đó có ngành kinh doanh bán lẻ xăng dầu. Đây là bước đi quan trọng giúp doanh nghiệp tiếp cận với trình độ hiện đại, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí và tăng cường minh bạch trong giao dịch. Việc áp dụng hóa đơn từng lần hay hóa đơn cuối ngày thì quan trọng nhất là yếu tố minh bạch. Người mua xăng không có nhu cầu lấy hóa đơn, nhưng nghĩa vụ của người bán hàng phải xuất hóa đơn lên hệ thống", ông Ánh phân tích.

Tuy vậy, để triển khai hiệu quả, ông Ánh cho rằng, các cơ quan quản lý, đặc biệt là ngành thuế phải có hướng dẫn pháp lý đồng bộ, trong đó cần lưu tâm hoàn cảnh thực tế của doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu. Mọi yêu cầu đúng pháp luật, song không quá rắc rối khiến doanh nghiệp đội chi phí không cần thiết. Thế giới đã áp dụng công nghệ thông tin trong ngành xăng dầu rất sớm, từ bán lẻ đến bán sỉ. Từ đó, có những kết quả tích cực trong quản lý nguồn cung, dự báo, tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: "Việc áp dụng hóa đơn điện tử cho bán lẻ xăng dầu không chỉ góp phần đảm bảo sự cạnh tranh công bằng mà còn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, tăng cường khả năng tiếp cận và phục vụ khách hàng một cách hiệu quả".

Việc phải xuất hóa đơn điện tử đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã bắt đầu từ ngày 1.7.2022 trên toàn quốc, nên với mặt hàng xăng dầu cũng không phải là ngoại lệ. Áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối dữ liệu trực tuyến với cơ quan thuế là giải pháp để ngăn chặn tình trạng trốn thuế hoặc kinh doanh xăng dầu lậu, kém chất lượng, đảm bảo công bằng cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu VN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.