Hàng ngàn doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính

Chí Nhân
Chí Nhân
19/08/2024 05:27 GMT+7

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 13/2024 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024. Đây là bước đi quan trọng nhằm thực hiện lộ trình giảm phát thải ròng về 0 (net zero) của VN.

Năng lượng, GTVT, xây dựng... phải kiểm kê

Quyết định số 13/2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1.10.2024 và các lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính trong danh mục sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính ngay từ thời điểm nói trên. Đây là bản cập nhật cho Quyết định 01/2022 theo đúng lộ trình như thông lệ quốc tế. Có 6 lĩnh vực thuộc diện phải kiểm kê khí nhà kính là năng lượng, GTVT, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, và xử lý chất thải.

Hàng ngàn doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính- Ảnh 1.

Sản xuất thép là một trong những ngành có nhiều DN nằm trong danh sách phải có báo cáo kiểm kê khí nhà kính

Ảnh: Ngọc Thắng

Danh mục 2.166 doanh nghiệp (DN) phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024 gồm: 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương, 75 cơ sở thuộc ngành GTVT, 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành TN-MT.

"Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục của Bộ, ngành nào sẽ thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo hướng dẫn của các Bộ, ngành đó", Quyết định nêu rõ.

Quyết định cũng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định; cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ TN-MT và Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

Giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp các Bộ: Công thương, GTVT, Xây dựng, NN-PTNT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường (Sở TN-MT TP.HCM), cho biết Chính phủ đã đưa ra nhiều nghị định, thông tư về việc kiểm kê phát thải khí nhà kính đối với khoảng hơn 2.000 DN trên toàn quốc. Trong số này, TP.HCM có 140 DN bị áp hạn ngạch, chiếm tỷ lệ tương đối cao so với mức bình quân chung của cả nước. Các DN của thành phố sẽ tuân thủ hạn ngạch phát thải carbon, nhằm hướng tới việc trung hòa carbon vào năm 2050 như mục tiêu mà Chính phủ đã cam kết với quốc tế. Bên cạnh số DN phải chịu hạn ngạch giảm phát thải khí nhà kính thì thành phố cũng có 60 dự án liên quan đến sản xuất tín chỉ carbon. Hiện tại, do VN chưa hình thành thị trường trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon nên ở góc độ địa phương, Sở TN-MT đang dự thảo một đề án chuyên ngành về vấn đề này, nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN theo hướng bù trừ nội bộ lẫn nhau.

DOANH NGHIỆP nhập khẩu cần yêu cầu đối tác cung cấp thông tin

GS-TS Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh (Đại học Kinh tế TP.HCM), phân tích: "Liên quan vấn đề này, năm 2022 Chính phủ ban hành Quyết định 01 và năm nay ban hành danh sách cập nhật theo đúng lộ trình và thông lệ quốc tế. Hiện tại, các DN nằm trong danh sách này thực hiện báo cáo kiểm kê theo đúng quy định và hướng dẫn của luật pháp VN. Đây là nền tảng ban đầu để tiến tới giai đoạn 2 là áp dụng hạn ngạch cắt giảm và cơ chế trao đổi, bù trừ lẫn nhau vào năm 2025. Điều này cho thấy lộ trình và quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện cam kết net zero vào năm 2050. Ở cấp độ địa phương, như tôi biết TP.HCM cũng đang xây dựng mô hình bù trừ lẫn nhau giữa các DN trên địa bàn. Điều này cũng thể hiện sự chủ động của thành phố nhưng câu chuyện trung hòa carbon và bù trừ lẫn nhau cần được thực hiện trên quy mô quốc gia sẽ hiệu quả và bền vững hơn".

Hàng ngàn doanh nghiệp phải kiểm kê khí thải nhà kính- Ảnh 2.

Ngành nông nghiệp được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2

Ảnh: Công Hân

Theo các chuyên gia, mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng đến trung hòa carbon theo cam kết quốc gia sẽ được phân bổ hạn ngạch xuống cho từng địa phương và từng DN. Cụ thể như ngành nông nghiệp được giao giảm phát thải 129,8 triệu tấn CO2. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT đã giao lĩnh vực lâm nghiệp và sử dụng đất giảm tối thiểu 39,31 triệu tấn CO2 đến năm 2025 và giảm 79,1 triệu tấn CO2 vào năm 2030. Theo đó, ngành lâm nghiệp sẽ phân bổ hạn ngạch giảm phát thải từ rừng cho các vùng sinh thái, các địa phương. Điều tương tự cũng được áp dụng với các lĩnh vực khác. Và việc ban hành danh mục DN cần nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính là nhằm làm cơ sở áp dụng hạn ngạch cho từng đơn vị.

Ở góc độ kỹ thuật, ông Đặng Thanh Long, Trưởng phòng Đào tạo và phát triển bền vững Intertek VN - một đơn vị chuyên về tư vấn, kiểm định, lưu ý: Những lĩnh vực gây phát thải lớn như xi măng, sắt thép và điện sẽ bị ảnh hưởng nặng vì đây là đối tượng phát thải khí nhà kính rất cao và khó cắt giảm nhanh được. Ở VN ước tính khoảng 200 DN sẽ bị ảnh hưởng. Cần lưu ý với lĩnh vực thép, trong một tấn sản phẩm có "ẩn" đến 3,6 tấn CO2. Đây là con số mà DN bắt buộc phải khai báo. 

Tuy nhiên, trong kinh doanh thì DN có thể nhập khẩu nguyên liệu từ nhiều nguồn khác nhau dựa trên giá thành cạnh tranh nhất. Mỗi nguồn nguyên liệu sử dụng một nguồn điện khác nhau và báo cáo cũng yêu cầu cần phải khai báo lượng phát thải khí nhà kính của điện từ nguyên liệu đầu vào. Nguồn điện của mỗi DN, mỗi quốc gia là rất khác nhau. Như vậy, khi khai báo chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thường không xác định được. Theo quy định, DN khai báo sẽ sử dụng hệ số mặc định và hệ số này được lấy bình quân của 10% DN gây phát thải cao nhất trong ngành. Chính vì vậy, khi sử dụng hệ số mặc định này, DN sẽ thiệt hại nặng. Để tránh những rủi ro đó, khi nhập hàng, DN cần phải yêu cầu đối tác cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến phát thải khí nhà kính. 

Nông nghiệp là lĩnh vực tham gia mạnh mẽ vào công cuộc giảm phát thải. Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2030 giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 40%, tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 50%. Mục tiêu chung của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của VN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.