Bão đi rồi, những người nghèo ở 2 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định lại càng nghèo hơn bởi gió bão đã mang của họ đi tất cả. Những ngày này, về các thôn xóm tan hoang ấy, chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến những nỗi đau, những ánh mắt thất thần. Rất nhiều gia đình đang loay hoay chạy chỗ ở nhờ, chạy kiếm tiền để mua vật liệu dựng lại ngôi nhà.
Tả tơi bởi trên gió, dưới sóng
Sáng 31.10, ba mẹ con bà Võ Thị Liễu (48 tuổi) trở về nhà ở làng biển Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn (Quảng Ngãi). Nói là nhà nhưng còn đâu nữa, chỉ còn tôn, gạch vương vãi tứ bề. Đi từ đầu trên xuống đầu dưới, căn nhà bà Liễu trống hoác, mưa rào tuôn xuống căn nhà sập vách, không còn mái che, làm ướt nhòe thêm mấy cái quần áo cũ bẩn đang nằm lẫn lộn với rác biển. Ở gian bếp bị triều cường dâng lên đánh sập tường, cuốn ra phía biển, bà Liễu đếm chỉ còn hơn chục cái chén bát trên cái tủ tạm bợ sát tường. “Sách vở của mấy đứa nhỏ do sơ tán gấp trước đêm bão đến chưa mang theo được, giờ cũng không còn gì”, bà Liễu thở dài.
Đề nghị Trung ương hỗ trợTheo ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, bão số 9 gây thiệt hại ước tính 3.200 tỉ đồng tại tỉnh này. Trong đó, có 194 căn nhà bị sập đổ, 100.816 nhà ở bị tốc mái, hư hỏng; 164 trường học, 68 cơ sở y tế bị tốc mái, hư hỏng. Tỉnh Quảng Ngãi xin T.Ư hỗ trợ 200 tỉ đồng để giúp người dân khôi phục nhà ở, ổn định đời sống, công trình công cộng thiết yếu phục vụ dân sinh...
Còn theo ông Trần Văn Phúc, quyền Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, tỉnh đã thống kê được 71 nhà bị sập hoàn toàn, 5.652 nhà bị tốc mái, hư hỏng, 3.003 nhà ngập nước... Trong đó, thiệt hại nặng về nhà ở là các địa phương phía bắc tỉnh Bình Định như: TX.Hoài Nhơn, H.Hoài Ân, H.An Lão. Tỉnh cũng kiến nghị T.Ư hỗ trợ 200 tỉ đồng và 1.000 tấn gạo để giúp dân khắc phục hậu quả do bão số 9 gây ra. |
Câu hỏi ấy cứ quay trong đầu bà mấy ngày qua. Bà Liễu cùng 3 đứa con ngồi bần thần nơi mé nhà bị sạt lở, hốc hác đến nao lòng. Hỏi mấy ngày qua ở đâu, bà Liễu cho hay đi ở nhờ nhà người quen. Chiều tối hôm trước có nhờ hàng xóm lấy mấy tấm tôn cũ ghép tạm trên nền nhà đã sập để mấy mẹ con bà có chỗ ngủ tạm. “Thế nhưng đến sáng (31.10) lại mưa, mấy mẹ con tôi không chỗ trú thân”, bà Liễu nói.
Khốn khó vì mái ấm không còn
Bão số 9 càn qua, với ai có thể gượng dậy được, nhưng với bà Hai Như (ngụ thôn Mỹ An, xã Bình Chánh, H.Bình Sơn) thì dồn dập gian truân. Bởi tuổi bà đã 65, sức đâu bôn ba nữa. Ở cái tuổi này, ai cũng con cháu đề huề, gia đình yên ấm, còn bà Hai Như chỉ ở một mình. Cả đời làm lụng cật lực, bà phải vào nam, ra bắc buôn bán từ nước mắm tới trái cây mới đủ tiền để mua căn nhà 50 m2 tá túc. Những năm gần đây, bà Hai Như không ngược xuôi nữa mà ở tại nhà buôn phế liệu sống qua ngày.
|
Trước bão số 9, hàng xóm đã phụ bà gia cố nhà cửa; nhưng khi bão vào, căn nhà nhỏ của bà không trụ nổi, bay mất nóc, cửa nhà tả tơi, những đồ vật trong nhà thì hư hỏng. Nhìn căn nhà tan hoang sau bão, bà Hai Như không cầm được nước mắt. Những ngày qua, sáng bà Hai Như lo dọn dẹp nhà cửa, tối đến đi xin nhà hàng xóm ngủ nhờ. Chính quyền xã và bà con gần nhà đã giúp đỡ và động viên bà rất nhiều, nhưng nỗi buồn của người già độc thân, giờ thêm cảnh mất nhà, làm sao nguôi được.
Không riêng bà Hai Như, tại làng chài thôn Mỹ An còn rất nhiều hoàn cảnh khác bị mất nhà như bà. Có những gia đình đông người phải chạy tới chạy lui khắp nơi mới có chỗ tạm trú thân khi tối đến, và cũng có những gia đình mệt mỏi đến mức không còn muốn dọn dẹp nhà cửa, vì nhìn đống đổ nát quá ngao ngán trong khi những cơn mưa lại đang sầm sập kéo về.
Ông Nguyễn Văn Minh (ngụ thôn Long Bình, xã Bình Long, H.Bình Sơn) có căn nhà cấp 4, do xây kiên cố nên bão không giật được mái đi, nhưng kéo sập tường nhà, kéo sập trại nuôi gà 4.000 con. “Cố làm lụng để thoát cảnh nghèo. Giờ bão làm cho nghèo lại. Tui đang nợ ngân hàng 300 triệu đồng đây, lo quá”, ông Minh nói như khóc.
Còn vợ chồng anh Trần Minh Tiện (ngụ thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, H.Bình Sơn) thì khóc không thành lời. Căn nhà của vợ chồng anh bị bão làm cho sập đổ, mái nhà gồm xà gồ và tôn bay sang táng vào nhà hàng xóm gây nứt nhà, nguy cơ bị sập. Gia đình anh Tiện giờ không có nhà ở, gia đình hàng xóm cũng phải tìm nơi khác tá túc vì không dám ở trong ngôi nhà sắp sập. Chúng tôi hỏi thăm, anh Tiện cho biết đang lo lắng không biết nhà hàng xóm có bắt anh hỗ trợ họ xây lại nhà hay không... “Tui chạy vạy đi vay mấy hôm nay để sửa lại nhà mà không đủ, lỡ hàng xóm đòi hỗ trợ thì không biết tìm đâu. Trời đã gây họa cho tui, lại còn bắt tui mang vạ. Mấy hôm nay tui cứ phập phồng lo lắng”, anh Tiện rầu rĩ nói.
“Chỉ qua một cơn bão, tui trắng tay”
Ông Dương Văn Năm (77 tuổi, ngụ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, H.Bình Sơn) sống với từng cơn sóng biển này từ thuở nhỏ. Ông gầy dựng kinh tế bằng việc đóng thuyền thúng ra khơi, xây căn nhà tạm ở, dựng nhà xưởng mưu sinh ổn định. Ấy vậy mà khi bão số 9 đi qua, triều cường dâng, đã cuốn phăng ngôi nhà, nhà xưởng của ông Năm ra biển. Ông Năm vừa nhìn lên mái nhà trống hoác vừa nói: “Cả đời lập nghiệp, giờ chỉ qua một cơn bão, tui trắng tay. Chỗ ở cũng không còn, lấy gì gượng dậy!”.
Những ngày qua, nhiều lần ngồi thẫn thờ nhìn ngôi nhà bị sập của mình, bà Đặng Thị Nga (ở thôn Xuân Phương, xã Phước Sơn, H.Tuy Phước, Bình Định) cứ rơi nước mắt. Căn nhà này từng là tổ ấm trọn vẹn nhất trong cuộc đời bà Nga, là kết quả bao nhiêu năm làm lụng, tích cóp của bà cùng với người chồng quá cố. “Vợ chồng tôi xây căn nhà năm 1999. Lúc đó, vợ chồng làm ăn khó khăn, lại mới sinh đứa con đầu lòng nên không có tiền, chạy vạy lắm mới xây được căn nhà cấp 4 để có chỗ chui ra chui vào. Sau đó, chồng tôi đau ốm triền miên rồi mất cách đây 5 năm”, bà Nga tâm sự. Hôm bão số 9 đổ vào, mưa gió suốt đêm, đến gần 8 giờ sáng 28.10 thì căn nhà của bà Nga đổ ập xuống, bao nhiêu vật dụng bị gió thổi bay hoặc nằm lẫn trong đống gạch vụn.
Bình luận (0)