Hơn 2 tháng nay, người dân thôn Phước Thượng và Phước Sơn, xã Phước Đồng (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) phải sử dụng nước uống đóng bình nhựa hoặc mua lại nước máy ở những khu vực gần đó về nấu ăn. Những sinh hoạt khác thì người dân lấy nước từ các ao hồ hoặc con suối qua thôn, thậm chí phải lấy nước giếng tại nghĩa trang Phước Đồng, được đào gần những ngôi mộ, để sử dụng.
Ông Bùi Xuân Thềm, Trưởng thôn Phước Thượng cho biết: “Nước giếng bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên hơn 500 hộ dân 2 thôn Phước Thượng và Phước Sơn lâu nay dùng đường ống dẫn nước của một công ty tư nhân, đưa nước từ suối Lùng và suối Đá Hang về, nhưng cứ khoảng tháng 7 đến tháng 10 là lại bị thiếu nước do suối cạn. Do không có nguồn nước đảm bảo vệ sinh nên Trường mầm non Phước Thượng vừa xây dựng xong, chuẩn bị đón 80 cháu vào học không thể tổ chức dạy bán trú”.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Đội trưởng Đội khảo sát - Thiết kế Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Khánh Hòa, do khó khăn về nguồn vốn đầu tư nên một số thôn ở xã Phước Đồng chưa được cấp nước sạch. Trong khi người dân làm đơn xin cấp nước theo quy định lại ít nên công ty chưa nắm rõ nhu cầu sử dụng nước sạch thực tế. Công ty đang khảo sát, xem xét để đầu tư hệ thống nước sạch đến các thôn trên.
|
Bệnh tật đe dọa
Việc sử dụng nước ô nhiễm tại xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang khiến người dân lâm vào tình trạng phải đối mặt với nhiều bệnh tật.
Bà Huỳnh Thị Liện, Trạm trưởng Trạm y tế xã Vĩnh Lương cho biết, cách đây vài năm, các ngành chức năng tỉnh có đến địa phương khảo sát, tìm hiểu tình trạng ô nhiễm và kết luận có hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ngầm nông. Một số giếng làng có hàm lượng Nitrat cao gấp 2 - 4 lần so với tiêu chuẩn cho phép và có vi khuẩn coliform trong nước.
“Từ 1.1.2000 đến 30.9.2006, xã có 45 trường hợp ung thư. Từ năm 2006 đến nay, chưa có số liệu thống kê chính xác, nhưng số người chết vì ung thư rất nhiều và năm sau nhiều hơn năm trước. Bệnh lao, da liễu cũng tăng nhiều. Người dân chờ đợi nguồn nước sạch bao năm nay nhưng vẫn chưa có để sử dụng”, bà Liện nói.
Trong khi đó, xã Khánh Thành, huyện miền núi Khánh Vĩnh có hơn 300 hộ dân (chủ yếu đồng bào dân tộc Raglai) phải sử dụng nước suối để nấu ăn, sinh hoạt. Địa hình đồi núi, nước bị nhiễm vôi nên không đào giếng được. Năm 2004, một tổ chức phi chính phủ tài trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho người dân, nhưng hơn một năm sau ống nước bị hỏng, người dân lại phải sử dụng nguồn nước từ suối chảy qua các thôn.
Trước kia, nước suối khá sạch, nhưng bây giờ do nạn đào đãi quặng trái phép ở rừng đầu nguồn của xã khiến nước vàng như nước trà, rất ô nhiễm.
Nhà nào “có điều kiện” thì lấy nước suối về lọc qua một lớp cát để sử dụng, nhưng cách lọc này chỉ lọc được rác, lá cây… chứ không lọc được những tạp chất hòa tan trong nước.
Chị Mang Thị Hạnh (34 tuổi, ở thôn Gia Răng) than vãn: “Nước bẩn nhưng không dùng thì lấy đâu để uống, nấu ăn? Có khi trâu bò tắm ở phía trên suối, mình ở dưới này cũng phải lấy nước về dùng, bị đau bụng nhiều nhưng mãi cũng quen. Chỉ có những hôm trời mưa, tận dụng hứng được nước mưa mới có nước sạch sử dụng”.
Một lãnh đạo huyện Khánh Vĩnh cho biết, không chỉ ở xã Khánh Thành, một số xã như Yang Ly, Khánh Bình, Khánh Nam… cũng thiếu nước sạch. Do kinh phí hạn hẹp nên mỗi năm huyện đầu tư, sửa chữa hệ thống nước sạch tại một số xã chứ không thể triển khai toàn bộ cùng một lúc. Tuy nhiên, sau mỗi mùa mưa lũ, các hệ thống này lại bị hư hỏng nên việc khắc phục rất khó khăn. |
Bài, ảnh: Nguyễn Chung
>> Nước sạch cho trường nội trú
>> Phố không nước sạch
>> Lãng phí tiền tỉ cho các công trình nước sạch
>> Sống không nước sạch
>> Nước sạch chảy ngập đường
>> Học cách tiết kiệm nước sạch
Bình luận (0)