|
Theo bà Nguyễn Thị Hội (70 tuổi, nhà 28, ngõ 205, phố Định Công Thượng, quận Hoàng Mai), tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài gần nửa tháng nay khi nguồn nước sinh hoạt ít dần và nhỏ giọt, lúc cao điểm còn mất nước triền miên trong 3 ngày liên tục. Sự cố mất nước khiến cuộc sống sinh hoạt của gia đình bị đảo lộn.
“Hằng ngày, chúng tôi phải đi đến nhà người quen xin nước và đặt mua nước do xe téc chở về sử dụng. Nước mua về chỉ dùng để đánh răng, rửa mặt còn mọi sinh hoạt khác như tắm giặt, vệ sinh phải cắt giảm tối đa cho đỡ tốn kém”, bà Hội phản ánh.
Chung tình cảnh, mấy ngày nay, gia đình bà Phạm Thị Nhẫn (64 tuổi), cũng ở cùng ngõ phố, đành phải mua nước sạch với giá “cắt cổ” 120.000 đồng/m3, gấp hơn 10 lần so với giá nước sạch thông thường. “Tắm rửa thì chia nhau đến nhà người thân tắm nhờ. Nước rửa tận dụng dùng đi dùng lại nhiều lần. Nhiều khi đi vệ sinh cũng phải cố nhịn. Nhà cửa lâu ngày không có nước lau rửa vô cùng bí bách”, bà Nhẫn bức xúc.
Nhiều hộ dân cho biết có sẵn bể dự trữ nước trong gia đình nhưng vì tình trạng mất nước kéo dài nên bể tích nước dùng nhiều đã cạn.
Tình trạng thiếu nước cục bộ cũng xảy ra ở các phường Khương Trung, Khương Đình, Khương Hạ, Hoàng Văn Thái (quận Thanh Xuân), Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai). Không ít gia đình phải đóng cửa nhà, cho con nhỏ về quê, hoặc di tản sang nhà người thân tắm giặt nhờ.
Điều đáng nói, theo phản ánh, các hộ dân đã nhiều lần gọi điện đến đơn vị cung cấp nước, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kinh doanh nước sạch (Viwaco), nhưng không thấy cán bộ kỹ thuật đến kiểm tra, trong khi qua điện thoại, họ nói việc cấp nước vẫn bình thường.
Tại khu chung cư 183 Hoàng Văn Thái do không có nước dùng, ngày 18.5, Ban quản lý phải lấy nước từ họng nước phòng cháy chữa cháy để cấp cho các hộ dân, mặc dù mỗi hộ cũng chỉ được 2 xô nhỏ. Anh Đinh Trung Vũ, Trưởng phòng quản lý hoạt động khu chung cư cho biết, một tuần nay, lượng nước sạch bị cắt giảm 1/3 so với trước đây khiến sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. Đại diện khu chung cư có ý kiến phản ánh tới Viwaco nhưng chưa nhận được thông báo gì.
Ngoài nỗi khổ thiếu nước, các hộ dân nơm nớp sống trong nỗi lo vỡ đường ống nước sạch. “Sự cố vỡ đường ống liên tục xảy ra khiến người dân khổ sở vì không có nước sinh hoạt, công ty nước sạch chỉ thông báo mất 1 ngày nhưng tới 3-4 ngày sau vẫn chưa có nước”, anh Vũ cho biết.
Trao đổi với Thanh Niên, Phó tổng giám đốc Viwaco Cao Hải Tháp cho biết, nguyên nhân thiếu nước là do nhu cầu sử dụng của người dân tăng đột biến từ 10-15% trong những ngày đầu nắng nóng. Bình thường lượng nước cung cấp 145.000 đến 150.000 m3 nước/ngày đêm, nhưng nhu cầu tăng cao dẫn đến thiếu hụt 20.000 - 25.000 m3 nước/ngày đêm.
Về tình trạng mất nước cục bộ ở các khu vực kể trên, ông Tháp lý giải: trong những ngày qua, tại nhà máy nước sông Đà - Hòa Bình xảy ra sự cố mất điện một vài lần nên hệ thống ngừng hoạt động, dẫn đến áp lực nước giảm, nguồn nước chảy yếu, nên những nhà ở cuối nguồn hoặc bể cao, nước không chảy tới.
Khi hỏi về giải pháp lâu dài khắc phục tình trạng thiếu nước, ông Tháp cho biết công ty đang “nghiên cứu, tính toán”. Còn giải pháp tình thế trước mắt là cấp nước theo giờ cho các khu vực để tăng áp lực nước đẩy ra xa hơn; đấu nối tăng cường thêm tuyến ống cầu Lủ - vành đai 3 dài 600 m để tăng cường cấp nước cho các khu vực cuối nguồn, các điểm bất lợi; cấp xe tec nước miễn phí cho các khu vực điểm nóng, mất nước dài ngày…
Nguyễn Tuấn
>> 7.000 hộ dân có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt
>> Gần 1.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt
>> TP.HCM: Hàng trăm hộ dân huyện Bình Chánh đang thiếu nước sạch
Bình luận (0)