Hàng ngàn người đứng ngồi xem rước nước thiêng
Để rước nước thiêng về tắm cho Phật, ban tổ chức đã tuyển chọn các trai tráng lực lưỡng, khỏe mạnh đua thuyền lên thượng nguồn sông Kiến Giang (H.Lệ Thủy, Quảng Bình) lấy nước mang về.
Tự động phát
|
Hôm nay 3.3, (tức ngày 16 tháng Giêng năm Mậu Tuất), huyện Lệ Thủy phối hợp với Ban Trụ trì chùa Hoằng Phúc tổ chức lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc.
Hoằng Phúc được đánh giá là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 700 năm. Nhiều vua, quan đã đến chùa, như năm 1301, Phật hoàng Trần Nhân Tông ghé thăm và cầu phước đức cho dân lành; năm 1821, vua Minh Mạng trong chuyến ngự giá Bắc tuần, ghé thăm chùa. Bom đạn chiến tranh đã phá hủy phần lớn ngôi chùa, chỉ còn sót lại nền móng và cổng Tam Quan. Năm 2015, chùa được phục dựng và xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia.
|
Theo ban tổ chức, lễ hội di tích lịch sử chùa Hoằng Phúc năm 2018 mong muốn tạo nên một nét văn hóa tâm linh nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của người dân trong và ngoài huyện, hướng đến nhu cầu khấn nguyện của đông đảo tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Lễ hội chùa Hoằng Phúc năm nay diễn ra với nhiều hoạt động: lễ rước nước từ vực An Sinh lên Chùa; lễ phóng sinh; thuyết pháp và lễ quy y Tam Bảo; lễ cầu Quốc thái dân an, Quảng Bình thịnh vượng; lễ phát lộc, thả hoa đăng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao phong phú hấp dẫn như: dân ca Hò khoan Lệ Thủy; hội bài chòi; thi đấu cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, bóng chuyền...
Sáng nay 3.3, lễ rước nước diễn ra hấp dẫn và độc đáo. Từ 0 giờ, bắt đầu diễn ra nghi lễ lấy nước tại vực An Sinh (xã Văn Thủy) nằm ở phía thượng nguồn sông Kiến Giang với tương truyền có xoáy nước linh thiêng, không thể đo được độ sâu và thông ra tận biển Đông. Đại diện lãnh đạo huyện và nhà chùa làm lễ xin nước. Sau đó 4 nam thanh niên mang trang phục lễ hội chèo thuyền ra giữa sông, dùng 4 gáo dừa múc nước từ lòng sông đổ đầy vào 2 chum rồi dùng vải đỏ bịt miệng chum. Trong quá trình lấy nước nhà chùa làm lễ lấy nước thiêng. Lấy nước xong, thuyền được chèo trở lại vào bờ đợi các đò bơi lên rước nước.
Nghi lễ rước nước bắt đầu từ 7 giờ sáng tại Mũi Viết (ở thị trấn Kiến Giang). Sau phần nghi lễ báo cáo trời đất, đoàn rước nước gồm 1 thuyền chở đội múa vương tướng long hổ, hò khoan và 7 đò bơi của các xã Mỹ Thủy, Lộc Thủy, Xuân Thủy, An Thủy, Phong Thủy, Liên Thủy, thị trấn Kiến Giang. Các trai bơi đều mang trang phục lễ hội. Xứ Lệ vốn nổi tiếng với lễ hội đua bơi truyền thống trên sông Kiến Giang mừng Tết Độc lập 2 tháng 9 hằng năm và cầu mưa thuận gió hòa. Các đò bơi tranh tài với tổng quãng đường đi về khoảng 24 km. Người Lệ Thủy và du khách thập phương rất háo hức với hội đua bơi này, không khí lễ hội tràn ngập khắp nơi; sông Kiến Giang như một sân khấu khổng lồ. Người đứng ngồi ken kín 2 bên bờ sông, đò bơi đi đến đâu, người xem hò hét cổ vũ náo nhiệt đến đó. Dịp lễ rước nước này, sông Kiến Giang lại một lần nữa dậy sóng bởi mái chèo của các tay đua, người dân và du khách lại được chiêm ngưỡng các đò bơi lướt đi trên sóng nước.
Đoàn đò bơi di chuyển lên vực An Sinh với chiều dài khoảng 15 km. Đến nơi, đò bơi của Mỹ Thủy và Lộc Thủy tiến hành chuyển 2 chum nước từ thuyền Văn Thủy qua rồi đoàn đò bơi di chuyển về cập bến đò chợ Trạm (xã Mỹ Thủy). 2 chum nước được đưa lên kiệu và rước bộ về chùa Hoằng Phúc. Tại chùa, các sư thầy tiến hành làm lễ tắm tượng. Lễ xong, các Phật tử và du khách lấy gáo dừa múc nước từ 2 chum tắm cho tượng Phật ở chính điện.
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Sau khi chùa Hoằng Phúc được khánh hạ, nhân dân và phật tử địa phương vinh dự được đón Phật ngọc hòa bình thế giới. Từ đó đến nay, chùa Hoằng Phúc trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của phật tử và du khách trên khắp mọi miền. Nhà Chùa đã mở các khóa tu mùa hè giáo dục thanh thiếu niên; tổ chức các lớp học hiếu hạnh tạo sự tương trợ, đoàn kết, thương yêu nhau; dạy các kỹ năng sống cho một bộ phận người dân, phật tử; giúp đỡ các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn…
|
Bình luận (0)