Ngày 22.11, tờ China Daily đưa tin hơn 3.000 người Myanmar đã đến các trại lánh nạn tạm thời ở nhiều thị trấn của Trung Quốc sau khi tháo chạy khỏi vùng giao tranh giữa quân đội và các nhóm vũ trang ở bang Shan, miền bắc Myanmar. Trong số đó có nhiều người bị thương và đã được đưa đến bệnh viện điều trị, theo một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar.
Đụng độ bùng phát ngày 20.11 sau khi 4 nhóm vũ trang đồng loạt tấn công các chốt an ninh tại 2 thị trấn Muse và Kutkai ở bang Shan. Đến nay đã có ít nhất 8 người thiệt mạng và 29 người bị thương. Ngoài ra còn có một người Trung Quốc ở thị trấn Uyển Đinh, thuộc tỉnh Vân Nam, bị thương do đạn pháo bay lạc qua biên giới.
Văn phòng Cố vấn nhà nước Myanmar cho hay có khoảng 2.600 người đã được sơ tán tới 5 tu viện tại Muse. Chưa hết, vào sáng 21.11, đạn pháo đã bay trúng tòa nhà chính quyền thị trấn Uyển Đinh, nhưng không có báo cáo thương vong, Hoàn Cầu thời báo dẫn thông tin từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết. Đến nay, giao tranh đã tạm lắng nhưng tình hình vẫn còn khá căng thẳng.
Theo tờ Myanmar Times, 4 nhóm tham gia tấn công gồm Quân đội độc lập Kachin (KIA), Quân đội giải phóng quốc gia Ta-ang (TNLA), Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Arakan (AA). Sau đụng độ, các nhóm này ra tuyên bố chung viết: “Dù muốn hòa bình và giải quyết bằng biện pháp chính trị, nhưng chúng tôi buộc phải tiến hành chiến dịch chung khi liên tục nhận phải áp lực quân sự từ quân đội”.
Tuyên bố còn kêu gọi người dân hạn chế đi tới bang Shan. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Myanmar khẳng định các nhóm vũ trang nổi dậy đã dùng vũ khí hạng nặng và phong tỏa tuyến đường dài khoảng 160 km từ Muse đến thị trấn Lashio.
Cũng trong ngày 22.11, Đại sứ Trung Quốc tại Myanmar Hồng Lượng tuyên bố Bắc Kinh rất quan ngại về tình hình hiện nay và kêu gọi tất cả các bên kiềm chế, thực thi những biện pháp hướng tới ngừng bắn. Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ tăng cường kiểm soát biên giới với Myanmar, theo dõi sát sao tình hình và kêu gọi các bên dừng ngay hành động quân sự.
Theo Đài CRI, Bộ Quốc phòng nước này đã đặt lực lượng trong tình trạng báo động cao và khẳng định sẽ có “những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ tính mạng và tài sản cho công dân sinh sống dọc biên giới”. Hồi tháng 3.2016, Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ tuần tra biên giới sau khi 4 người nước này thiệt mạng và 9 người bị thương do trúng đạn pháo bay lạc từ Myanmar.
tin liên quan
Hiểm họa vùng biên Myanmar - Trung QuốcQuân đội Trung Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các nhóm vũ trang tấn công đồn cảnh sát và quân đội Myanmar gần biên giới 2 nước.
Bình luận (0)