Hiểm họa vùng biên Myanmar - Trung Quốc

22/11/2016 09:33 GMT+7

Quân đội Trung Quốc được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi các nhóm vũ trang tấn công đồn cảnh sát và quân đội Myanmar gần biên giới 2 nước.

Các vụ tấn công nói trên là một đòn giáng mạnh vào hy vọng đạt được thỏa thuận hòa bình trên toàn quốc sau nhiều năm giao tranh của bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo trên thực tế ở Myanmar. Đồng thời, tình trạng bất ổn tại khu vực biên giới Myanmar - Trung Quốc cũng đang khiến giới chức tại Bắc Kinh đau đầu.
Nỗi lo đạn lạc
Reuters ngày 21.11 dẫn một thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc kêu gọi các bên giữ bình tĩnh và kiềm chế để ngăn chặn leo thang bạo lực. “Quân đội Trung Quốc đang ở trong tình trạng báo động cao và sẽ thực thi những biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền đất nước, bảo vệ tính mạng và tài sản cho công dân sinh sống dọc theo biên giới”, thông báo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc viết.
Trước đó 1 ngày, Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar đã ra thông cáo kêu gọi các bên ngừng bắn và khôi phục hòa bình tại khu vực biên giới, đồng thời khuyến cáo công dân tránh xa khu vực xung đột. Phản ứng của Bắc Kinh được đưa ra sau khi ít nhất 2 người bị thương tại thị trấn Uyển Đinh, tỉnh Vân Nam, khi đạn pháo bay lạc qua biên giới. Chính quyền thị trấn đã kích hoạt cơ chế ứng phó khẩn cấp và tăng cường cảnh sát vũ trang để theo dõi tình hình. Hoàn Cầu thời báo cho biết khoảng 80 người Myanmar đã tìm đến Uyển Đinh để lánh nạn.
Trước đó vào ngày 20.11, các nhóm vũ trang đã đồng loạt tấn công các chốt an ninh tại 2 thị trấn Muse và Kutkai ở bang Shan, miền bắc Myanmar. Cuộc tấn công bắt đầu lúc 2 giờ sáng (giờ địa phương) và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ sau đó.
Tân Hoa xã dẫn thông báo của Ủy ban Thông tin thuộc Văn phòng Cố vấn nhà nước Myanmar cho biết 8 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh, gồm 1 binh sĩ, 3 cảnh sát, 1 dân quân và 3 dân thường. Ngoài ra, 29 người cũng đã bị thương, hầu hết là dân thường.
Cũng theo cơ quan trên, các nhóm vũ trang tham gia vụ tấn công gồm nhóm Quân đội độc lập Kachin (KIA), Quân đội giải phóng quốc gia Ta-ang (TNLA) và Quân đội liên minh dân chủ quốc gia Myanmar Myanmar (MNDAA).
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc “lên ruột” với tình trạng xung đột giữa lực lượng chính phủ và các nhóm vũ trang ở Myanmar. Vào tháng 3 năm ngoái, Bắc Kinh đã điều động một số chiến đấu cơ đến tuần tra khu vực biên giới chung với Myanmar sau khi một quả bom rơi từ chiến đấu cơ của Myanmar khiến 4 công dân Trung Quốc thiệt mạng và 9 người bị thương.
Tân Hoa xã khi đó dẫn lời phát ngôn viên không quân Thân Tiến Khoa cho biết các chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ “theo dõi, giám sát, cảnh báo và xua đuổi” các máy bay quân sự Myanmar bay gần biên giới. Tân Hoa xã cho biết vụ việc trên xảy ra tại một cánh đồng mía ở thị trấn Lâm Thương, tỉnh Vân Nam, trong lúc xảy ra các cuộc giao tranh giữa lực lượng chính phủ Myanmar và các tay súng MNDAA.
Bạo lực đã biến khu vực biên giới vốn nhộn nhịp trở thành một chiến trường tan hoang. Chỉ tính riêng năm ngoái đã có 60.000 người bỏ chạy từ Myanmar sang Vân Nam.
Muôn mặt các nhóm vũ trang
Tình trạng căng thẳng ở biên giới Trung Quốc - Myanmar một lần nữa khiến dư luận chú ý đến sự hiện diện của các nhóm vũ trang đang đối đầu với lực lượng chính phủ tại đây. Trong 3 nhóm vũ trang tiến hành vụ tấn công ngày 20.11, KIA là nhóm lớn nhất.
Theo trang tin Myanmar Peace Monitor, KIA được thành lập năm 1961, là cánh quân sự của Tổ chức Độc lập Kachin (KIO). KIO tự nhận có 10.000 tay súng thường trực và 10.000 tay súng dự bị sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức này kiếm thu nhập đáng kể từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhờ vậy KIO có thể tạo lập một đội quân hùng mạnh và phát triển các trung tâm thương mại dọc biên giới Myanmar - Trung Quốc.
Sau nhiều năm giao tranh, KIO đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ Myanmar vào năm 1994. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã đổ vỡ vào ngày 9.6.2011, sau khi lực lượng chính phủ tấn công một đồn quân sự của KIO. Tác nhân dẫn đến sự đổ vỡ thỏa thuận ngừng bắn chính là việc KIO từ chối giải giáp và tham gia kế hoạch thành lập lực lượng biên phòng (BGF) của chính quyền quân sự.
Trong khi đó, MNDAA là tổ chức quân sự của người Kokang với quân số khoảng 1.500 - 2.000 người. Năm 1989, MNDAA ký thỏa thuận ngừng bắn với chính phủ. Tuy nhiên, đến tháng 8.2009, MNDAA đã can dự vào một cuộc xung đột với lực lượng chính phủ. Đây cũng là đợt bùng phát giao tranh lớn nhất giữa lực lượng vũ trang của các bộ tộc và lực lượng chính phủ kể từ khi ký thỏa thuận ngừng bắn trước đó 20 năm. Hậu quả là MNDAA mất quyền kiểm soát khu vực Kokang và 30.000 người đã chạy sang Vân Nam lánh nạn.
Tháng 9.2015, MNDAA rắp tâm giành lại khu vực Kokang và giao tranh với quân đội Myanmar ở thủ phủ Laukkai. Các vụ đột kích đã khiến 47 lính chính phủ thiệt mạng và 73 người bị thương. Sau vụ việc này, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc viện trợ quân sự cho các binh sĩ Kokang.
TNLA là cánh quân sự của Mặt trận giải phóng bang Palaung, hoạt động năm 1992. Với quân số 1.500 - 3.500 người, tổ chức này đang đấu tranh vì quyền tự quyết của người Ta’ang. TNLA đang liên kết với KIA và nhiều tổ chức ly khai khác trong các chiến dịch chống chính phủ ở bang Shan.
Giao tranh tiếp diễn ở các bang Shan và Kachin đang gây khó khăn cho nỗ lực xúc tiến hòa đàm của Cố vấn nhà nước Suu Kyi. Bà coi việc đạt được thỏa thuận hòa bình với các nhóm vũ trang là một trong những ưu tiên của chính quyền dân sự Myanmar. Tuy nhiên, tình thế hiện tại cho thấy sẽ phải mất nhiều năm mới có thể chấm dứt xung đột ở nước này.
Nổ bom tại siêu thị
Ngày 20.11, 3 quả bom đã phát nổ tại một siêu thị ở thành phố Yangon. Trong thông báo đưa lên Facebook, Bộ Truyền thông Myanmar cho biết không có ai bị thương và thiệt hại không đáng kể. Hiện trường đã bị phong tỏa để phục vụ công tác điều tra. Hiện chưa rõ ai đứng sau các vụ nổ này, theo Reuters.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.