Hàng ngàn người nổi tiếng bị deepfake tạo hình ảnh khiêu dâm

Khánh An
Khánh An
22/03/2024 06:51 GMT+7

Truyền thông Anh phát hiện gần 4.000 người nổi tiếng trên thế giới bị kẻ xấu tạo hình ảnh khiêu dâm nhờ công nghệ deepfake.

Hàng ngàn người nổi tiếng bị deepfake tạo hình ảnh khiêu dâm- Ảnh 1.

Hình ảnh khiêu dâm của một người nổi tiếng được tạo ra nhờ deepfake

CHANNEL 4 NEWS

Phóng sự điều tra của Đài Channel 4 News đối với 5 trang web về deepfake có nhiều người truy cập nhất vừa phát hiện gần 4.000 người nổi tiếng bị làm giả những hình ảnh khiêu dâm.

Chỉ riêng tại Anh đã có 255 người nổi tiếng trở thành nạn nhân của deepfake, công nghệ được biết đến nhiều nhất với ứng dụng tái tạo khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Bị làm giả clip sex bằng "deepfake", Thủ tướng Ý kiện đòi 100.000 euro

Nhờ khả năng tạo ra hình ảnh, video, bản ghi âm có tính chân thực và thuyết phục cao, kẻ xấu thường lợi dụng công nghệ này để đánh cắp danh tính hoặc sử dụng vào các mục đích xấu khác.

Trong số gần 4.000 nạn nhân trên có các diễn viên điện ảnh, ngôi sao truyền hình, nhạc sĩ và những người nổi tiếng trên YouTube, theo tờ The Guardian đưa tin ngày 22.3. Cuộc điều tra cho thấy 5 trang web đã nhận được 100 triệu lượt xem trong vòng 3 tháng.

Cuộc điều tra của Channel 4 News còn phát hiện người dẫn chương trình truyền hình của chính đài này là bà Cathy Newman cũng là nạn nhân. "Cảm giác như bị xúc phạm. Tôi thực sự cảm thấy thật nham hiểm khi ai đó đã ghép những thứ này lại với nhau", bà chia sẻ.

Vào năm 2016, các nhà nghiên cứu đã xác định được một video khiêu dâm deepfake trực tuyến. Trong ba quý đầu năm 2023, có đến 143.733 video khiêu dâm deepfake mới đã được tải lên 40 trang web khiêu dâm deepfake được truy cập nhiều nhất.

Theo Đạo luật An toàn Trực tuyến tại Anh, kể từ ngày 31.1, việc chia sẻ hình ảnh như vậy mà không có sự đồng ý là bất hợp pháp ở nước này. Đạo luật này được thông qua để đối phó với sự gia tăng của nội dung khiêu dâm deepfake được tạo ra bởi AI và các ứng dụng.

Đạo luật này trước đó đã bị trì hoãn nhiều lần và hiện đang được tham vấn về cách thực thi bởi Ofcom, cơ quan chính phủ Anh phụ trách về lĩnh vực này.

"Mặc dù các quy tắc này chưa được thực thi nhưng chúng tôi khuyến khích các công ty thực hiện các biện pháp nhằm bảo vệ người dùng của họ ngay từ bây giờ", theo một phát ngôn viên Ofcom.

Phát ngôn viên này giải thích thêm rằng theo đạo luật trên, các công ty phải đánh giá nguy cơ nội dung như thế lan truyền trên nền tảng mà họ cung cấp, nhanh chóng gỡ bỏ nếu phát hiện và có biện pháp ngăn chặn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.