Ở lứa tuổi mầm non, trẻ hiếu động, thích tự khám phá, tìm hiểu thế giới xung quanh trong khi khả năng ứng phó để tự bảo vệ bản thân còn hạn chế nên tai nạn thương tích có thể xảy ra đối với trẻ bất cứ lúc nào.
Nguy cơ từ trải khăn bàn, đặt đồ dùng…
Bà Nguyễn Đặng Thị Phương Hoa, Hiệu trưởng Trường mầm non Nam Sài Gòn (Q.7, TP.HCM), chia sẻ trong trường mầm non có hàng ngàn tình huống đe dọa đến sự an toàn của trẻ. Do đó cần sự chỉn chu từ quản lý nhà trường cho đến giáo viên và cả nhân viên vệ sinh trong mọi lúc mọi nơi chứ không chỉ trong thời điểm cụ thể nào. Sự đe dọa có thể tiềm ẩn từ đồ chơi cho đến đồ dùng, vật dụng và bao trùm trong khuôn viên nhà trường.
Từ đó, bà Phương Hoa chỉ ra những mối đe dọa đến an toàn của trẻ trong việc sử dụng và sắp xếp trang thiết bị trong trường. Bà Hoa lấy ví dụ việc gắn tivi trên tường, các thiết bị điện tử, ổ cắm điện rồi đến trẻ chơi với nhau, đánh, cắn nhau… Bên cạnh đó, bà Hoa nhấn mạnh: “Không cần phải nói đến những vấn đề to lớn mà ngay việc trải khăn bàn, đặt đồ dùng trên bàn thế nào cũng cần lưu ý. Học sinh càng nhỏ càng cần có sự chăm chút, tỉ mỉ”.
Cô giáo bên cạnh mà trẻ vẫn té !
tin liên quan
Xác minh vụ giáo viên đứng nhìn học sinh mầm non bị đánh hội đồngCòn một giáo viên có kinh nghiệm tại Q.Tân Phú (TP.HCM) kể lại tình huống đã xảy ra khiến cô giáo này cứ nhớ mãi và day dứt: “Ngày đó, cứ nghĩ các con ngồi xung quanh và trước mặt mình thì sao còn có gì để mà lo lắng. Vậy mà vừa lau mặt cho bé bên phải xong, tôi quay sang trái lau mặt cho bé khác thì bé bên phải quay người với tay kéo cái ghế ở gần đó. Con không lường được khoảng cách nên hụt tay, khiến té xấp đập cằm xuống đất và phải vào bệnh viện may 2 mũi”.
Còn giáo viên khác thì kể tình huống đã xảy ra trong lớp học của mình, đồng thời cũng chia sẻ lưu ý đối với những trường khác, như: “Thường giáo viên trong lớp hay nhắc nhở nhau phải đóng cửa nhà vệ sinh và thường xuyên để mắt, tránh trường hợp học trò nô đùa gần khu vực này. Vậy mà xảy ra chuyện dở khóc dở cười. Có trẻ ngồi tò mò, thò tay vào khe cửa, do cửa làm bằng chất liệu nhôm nên bé đứt tay”. Giáo viên này nói rằng: “Có tình huống giáo viên không thể lường trước và khi có được kinh nghiệm thì học trò của mình đã bị đau. Nên bây giờ, vào mỗi đầu năm học, trước ngày nhận học sinh, chúng tôi phải “mò mẫm” từng ngóc ngách trong lớp. Sau đó, ngồi thống kê, liệt kê những điểm cần lưu ý để chỉnh sửa, hạn chế nguy hiểm cho trẻ một cách tốt nhất. Có những khe, kẽ hở, giáo viên lấy ngón út của mình để thử nhằm lường trước những tình huống trẻ tò mò”.
Cần phụ huynh phối hợp
Cô Trần Thị Tú Quyên, giáo viên Trường mầm non Vàng Anh (Q.5, TP.HCM), chia sẻ: “Có những phụ huynh, nhiều khi vô tâm không để ý, khi đến đón con hay để con ngồi trên mặt tủ đựng đồ dùng cá nhân của các bé. Theo thói quen đó, trẻ rất dễ leo trèo lên tủ đựng đồ để chơi. Điều này gây nguy hiểm khôn lường”.
Bà Chung Bích Phượng, nguyên Phó phòng Giáo dục Q.Tân Phú (TP.HCM), cũng cho rằng hiệu trưởng cần có sự bao quát, giáo viên không được lơ là, không bỏ lớp để làm việc riêng vì có khi chỉ cần trong “tích tắc” là nguy hiểm đã xảy ra. Và theo bà Phượng, giáo viên mầm non có sự khác biệt với giáo viên các bậc học khác, đó là việc quan sát một cách tỉ mỉ, không dạy kiến thức mà là dạy kỹ năng cho trẻ. Ngay khi lường trước những nguy hiểm cần có sự chủ động nhắc nhở cho học trò.
Đồng thời, theo bà Phượng, phụ huynh cũng cần có sự phối hợp với nhà trường, với giáo viên để trang bị kỹ năng cho con trẻ. Chẳng hạn như giúp các bé điều chỉnh sự khám phá, tò mò một cách phù hợp để làm sao khi thấy khám phá có tính rủi ro thì biết phân vân, có sự lựa chọn nên hay không nên làm?
Thêm vào đó, giáo viên mầm non “kêu gọi”: “Chắc chắn, dù có cố gắng đến đâu thì việc giáo viên quan sát sẽ không bao quát và đầy đủ bằng có sự “để tâm” của phụ huynh. Khi đưa, đón trẻ, nếu phát hiện hoặc băn khoăn, lo ngại bất cứ điều gì liên quan đến an toàn cho trẻ thì phụ huynh hãy chia sẻ với cô giáo ngay. Như vậy trẻ sẽ càng được đảm bảo an toàn hơn”
Bình luận (0)