Bà Nguyễn Thị Vân (43 tuổi, ngụ thôn Hạ Thủy, xã Lâm Trung Thủy) cho biết nước sạch là niềm mơ ước của người dân trong thôn bấy lâu nay. Hiện, nguồn nước từ giếng đào và giếng khoan đều bị nhiễm phèn nặng không thể sử dụng. Người dân phải xây bể hứng nước mưa và sử dụng nguồn nước này rất dè dặt để ăn uống. Còn các sinh hoạt khác như tắm rửa, tưới tiêu, chăn nuôi… thì phải dùng vòi nước hút từ ao làng về sử dụng.
“Nguồn nước này rất bẩn vì được lấy trực tiếp ngoài kênh mương, không qua hệ thống lắng lọc gì cả. Biết là nước ô nhiễm nhưng vẫn phải dùng vì chẳng còn cách nào khác”, bà Vân nói.
Anh Đinh Đức Thuận (35 tuổi, ngụ thôn Hạ Thủy) thở dài cho biết do nước ao rất bẩn nên chỉ một thời gian ngắn là đường ống dẫn nước từ ao làng bị tắc bởi bùn đất. Đặc biệt vào mùa đông, những hộ dân nào sử dụng máy nóng lạnh thì thường bị chập cháy vì lấy nguồn nước quá bẩn này.
“Xã đã về đích nông thôn mới rồi mà người dân không có nước sạch để dùng là điều rất khó hiểu. Người dân mỗi lần phản ánh với chính quyền địa phương thì chỉ nhận được lời hứa suông mà chẳng thấy nước sạch đâu. Bây giờ đã vào mùa nắng nóng, chúng tôi lo rằng lại phải bỏ tiền đi mua nước sạch về sử dụng như mọi năm”, anh Thuận bức xúc.
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ 147 hộ dân trong thôn Hạ Thủy “khát” nước sạch mà người dân trong xã này đều chịu chung tình cảnh tương tự. Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy, thừa nhận toàn bộ hơn 3.800 hộ dân trong xã thì mới chỉ có 100 hộ có nước sạch để dùng, số hộ còn lại vẫn đang phải sử dụng nước mưa, giếng khoan, giếng khơi, giếng làng… không đảm bảo vệ sinh. Nguyên nhân nước sạch chưa được kéo về bán cho người dân là do địa phương nằm quá xa khu vực có các nhà máy nước sạch đang hoạt động. Nếu lắp đặt đường ống thì chi phí đội lên rất cao, người dân không thể nào kham nổi.
“Hiện nay có một nhà máy nước của doanh nghiệp đóng ở xã cạnh bên vừa đi vào hoạt động. Qua làm việc với nhà máy này, họ cho biết chi phí lắp đặt đường ống mà người dân phải bỏ ra là 2,5 triệu đồng/hộ. Xã đang cho các thôn tiến hành họp dân, nếu đồng ý thì tháng 6 và tháng 7 tới họ sẽ triển khai thi công”, ông Thọ nói.
Theo ông Đặng Giang Trung, Phó chủ tịch UBND H.Đức Thọ (Hà Tĩnh), thời gian qua, 6 nhà máy nước sạch đóng trên địa bàn phần nào đã đáp ứng được nguồn nước sinh hoạt cho người dân địa phương. Tuy nhiên, do chi phí lắp đặt đường ống quá cao nên một số xã nằm cách xa nhà máy nước như Lâm Trung Thủy vẫn chưa có nước sạch để sử dụng.
“Vì ngân sách địa phương không có nên chúng tôi đang vận động các nhà máy nước giảm bớt chi phí lắp đặt để hỗ trợ người dân ở cách xa nhà máy. Riêng xã Lâm Trung Thủy thì người dân và nhà máy nước đã cơ bản thống nhất được phương án. Huyện cũng sẽ đốc thúc nhà máy này sớm cấp nước cho người dân”, ông Trung nói.
Bình luận (0)