Từ ngày 9.9, một số phường trên địa bàn Q.Long Biên, Hà Nội được thiết lập trạng thái “bình thường mới”. Các hàng quán phục vụ đồ ăn, kinh doanh hàng thiết yếu được mở cửa trở lại, tất cả theo hình thức bán mang về. Sau gần một tuần, nhiều quán khách vẫn đông như ngày đầu tiên.
Đội mưa đi mua phở
Theo ghi nhận của Thanh Niên, sáng 15.9, dù trời Hà Nội mưa to nhưng nhiều người ở P.Ngọc Lâm (Q.Long Biên) vẫn đến các quán ăn mua mang về. Nhiều người đến từ sớm, mặc áo mưa, đem theo cặp lồng, hộp đựng đồ ăn nóng. Sau nhiều ngày đóng cửa phòng dịch, nhiều người cho biết họ háo hức vì được mua những món yêu thích như bún, phở, cháo sườn….
|
|
Bà Trần Thị Thúy (49 tuổi, chủ quán phở trên đường Nguyễn Sơn, Q.Long Biên) cho biết, sau 5 ngày mở bán mang về, lượng khách vẫn đông. Nhà bà dậy từ 2 rưỡi sáng chuẩn bị nguyên liệu để kịp bán cho khách. Những ngày mở bán trở lại, nhà bà bán khoảng 2 tạ bánh phở, 70 - 80kg thịt bò. Giá bán vẫn giống trước khi giãn cách là 40.000 đồng/bát. Khách hàng có thể gọi thêm đồ và tùy yêu cầu cụ thể mà bát phở dao động 45.000 - 50.000 đồng/bát.
“Dù chỉ bán mang về nhưng nhà tôi rất hào hứng vì được đón khách, bán hàng trở lại. Đóng cửa hơn một tháng thấy mọi người đến mua hàng, có không khí nên cũng vui mừng, phấn khởi lắm. Nhà tôi mở bán buổi sáng từ 5 giờ - 13 giờ, buổi chiều từ 17 giờ - 21 giờ”, bà Thúy cho biết.
|
Cũng theo chia sẻ của bà Thúy, để đảm bảo an toàn khi mở bán trở lại, bà chuẩn bị nước sát khuẩn, đeo khẩu trang và luôn nhắc nhở khách xếp hàng, giữ khoảng cách. Bà mong dịch hết hẳn để bán trực tiếp, phục vụ khách đến ăn.
|
“Nhà tôi ngoài các biện pháp phòng dịch cũng được tiêm vắc xin đầy đủ. Đóng cửa, ngồi một chỗ chán lắm nên luôn mong được mở bán thời gian dài. Khách đến cứ mang theo cặp lồng mua cho nóng, tôi và mọi người cố nhanh tay để mọi người không đợi lâu. Giờ nhân viên vẫn thiếu vì chỉ có gần nhà sẽ đến làm còn xa hoặc ở cách tỉnh khác chưa đi làm trở lại được”, bà nói.
Tất bật làm hàng bán cho khách
Bà Nguyễn Thị Thu Dung (chủ quán bún dọc mùng ở P.Ngọc Lâm) chia sẻ, so với bán trực tiếp, khách không đông bằng nhưng được mở bán mang về là một tín hiệu tích cực. Gần 50 ngày đóng cửa khiến gia đình bà không có thu nhập nên được mở lại bà cảm thấy rất vui mừng.
|
|
“Từ khi nghe tin mở bán trở lại nhà tôi ai cũng tất bật để làm hàng bán cho khách. Hôm đầu tiên khách đông nhất vì sau nhiều ngày không được ăn bún họ đến mua rất nhiều. Ở nhà suốt nhiều ngày cảm thấy rất bí bách nên mở lại tôi cũng cố thực hiện các biện pháp phòng dịch để bán lâu hơn. Mong là thời gian tới dịch sẽ được kiểm soát, hàng quán sẽ được bán trực tiếp, lúc đó khách sẽ nhiều hơn nữa, thu nhập cũng hơn”, bà Dung tâm tình.
Từ 6 giờ sáng, anh Nguyễn Việt Hoàng (39 tuổi, chủ quán phở) cùng vợ tất bật bán hàng cho khách. Khách mua mang về nên anh chuẩn bị nhiều hộp đựng sẵn, nhanh tay để khách không đợi quá lâu.
|
“Người dân đến mua họ cũng vui mừng lắm vì giãn cách trong thời gian dài đến giờ mới được mua ăn bát phở. Không thể ngồi ăn tại chỗ nhưng tôi cũng mừng rồi vì được lao động, được thu nhập có đồng ra đồng vào để ổn định cuộc sống lo cho hai con nhỏ. Tháng vừa rồi không có ăn nên cứ mong dịch được kiểm soát tốt để mở bán dần dần. Giờ nhập hàng các tỉnh cũng khó khăn vì đi lại chưa thoải mái nhưng nhà tôi cũng cố khắc phục để có nguyên liệu làm phở”, anh Hoàng chia sẻ.
|
Dù trời mưa nhưng chị Đặng Thanh Hằng (24 tuổi, ở P.Ngọc Lâm) vẫn cầm cặp lồng đến quán phở mua mang về. Sau gần 2 tháng nấu ăn ở nhà, chị đến các hàng ăn mua để đổi vị, tiết kiệm thời gian.
|
|
|
“Tôi nay mua 4 bát cho cả nhà, kèm thêm ít quẩy vì nhà tôi ai cũng thích ăn. Từ đợt giãn cách, tôi ở nhà nên khi biết tin bán trở lại tôi thường xuyên đi mua về. Hôm qua tôi mua bún, nay mua phở để thay đổi vì nấu đồ ăn sáng ở nhà cũng toàn mấy món dễ làm như mì tôm, cháo sẵn”, chị Hằng cho hay.
Anh Đinh Hồng Quân (30 tuổi, ở đường Ngọc Lâm) nói: “Mình người lớn ăn gì cũng được nhưng cứ cố thay đổi các món cho con trẻ đỡ nhàm chán. Trước giãn cách phải dậy chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà nhưng giờ hàng ăn mở lại cũng tiện, chạy đi mua tý là xong. Hy vọng dịch bệnh được kiểm soát để cuộc sống trở lại bình thường như trước, đi lại thoải mái hơn”.
Bình luận (0)