Hàng quán TP.HCM um tùm cỏ dại, bám bụi: Chủ nói 'về quê ăn bám gia đình'

12/11/2021 09:34 GMT+7

Bà Biên, chủ một quán ăn trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức, TP.HCM) chưa có ý định mở lại quán dù TP.HCM nới lỏng giãn cách. Bà cho biết hiện tại mình vẫn đang ở quê ‘ăn bám’ gia đình chờ Covid-19 hết hẳn.

Quán của bà Biên trên đường Phạm Văn Đồng um tùm cây khô

T.K

Quán đóng cửa từ tháng 5, chủ quán cho biết chưa có ý định kinh doanh trở lại

T.K

Hơn 1 tháng qua, khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội, nhiều hàng quán bắt đầu sôi động đón khách trở lại. Tuy nhiên, vẫn còn không ít quán ăn uống im ỉm khóa. Có quán cây cối mọc rậm rạp, ngập rác và cành cây khô, mạng nhện giăng khắp nơi… chưa có dấu hiệu mở cửa trở lại. Tại sao lại như vậy?

Để tìm câu trả lời, PV Thanh Niên đã ghi nhận nhiều hàng quán vẫn còn đang “cửa đóng then cài” ở Q.1, Q.Phú Nhuận, TP.Thủ Đức… để tìm hiểu câu chuyện phía sau.

Bản tin Covid-19 ngày 11.11: Thêm 8.162 ca dương tính | Việt Nam vượt mốc 1 triệu ca nhiễm

Vẫn đang ở quê tránh dịch

Đi dọc đường Phạm Văn Đồng, nhiều quán ăn, quán nhậu đã mở cửa những ngày qua. Tuy nhiên, quán ăn N. của bà Lê Thị Biên (42 tuổi) trên con đường này chưa có dấu hiệu kinh doanh trở lại khi phía trước quán, cỏ dại mọc um tùm. Bên trong, bàn ghế nhựa được xếp chồng ngay ngắn bám một lớp bụi dày. Dưới sàn, cành và lá cây khô chất thành đống vì đã đóng cửa suốt thời gian dài.

Bể cá của một quán hải sản ở TP.Thủ Đức bám bụi suốt nhiều tháng qua

t.k

Theo số điện thoại ghi trên biển hiệu quán, chúng tôi liên lạc với bà Biên trong lúc bà đang ở H.Mỏ Cày Nam (Bến Tre) với gia đình. Chủ quán cho biết từ tháng 5, khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, bà đóng cửa quán ăn đã kinh doanh hơn 4 năm, cho 11 nhân viên tạm nghỉ việc. Riêng bà thì về quê tránh dịch chờ ngày TP.HCM khỏe lại, ngót nghét cũng đã gần 6 tháng.

“Mấy tháng qua về quê, tôi ăn bám gia đình chứ có làm gì đâu. Ở quê mà, dịch nữa, làm gì có việc cho mình làm. Lâu lâu thì phụ ba mẹ dọn cỏ, làm công việc vặt”, bà kể.

Cỏ dại tươi tốt trước một quán ăn còn đang đóng cửa trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận)

T.K

Cỏ dại mọc ngày càng cao

t.k

Khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, hay tin nhiều hàng quán bán lại, bà Biên cũng không có ý định mở cửa quán vì nhiều lý do. Trong đó, đáng lo nhất là vấn đề tiền mặt bằng, nhân viên và quy định của TP. Mặt bằng thuê từ 2 chủ, mỗi tháng bà phải đóng hơn 40 triệu đồng. Từ ngày ngừng kinh doanh, một chủ chỉ lấy 35% tiền thuê, một chủ vẫn chưa thanh toán chờ đến ngày bà bán lại thì tính sau.

“Tôi nghe nói chỉ được bán tới 9 giờ tối, mà quán tôi chủ yếu bán hải sản, đồ nhậu cho khách từ chiều tới tối muộn nên giờ đó đóng cửa thì sao đủ tiền trả cho nhân viên. Mở lại chắc phá sản sớm. Thôi đợi khi nào bình thường lại hoàn toàn thì mình mở”, bà dự tính.

Lên Sài Gòn sinh sống và làm việc hơn 20 năm, chưa bao giờ bà Biên phải trải qua một kỳ nghỉ dài đến vậy. Bà hy vọng thời gian tới dịch không bùng phát trở lại để có thể tiếp tục công việc kinh doanh, sớm nhất là trước Tết Nguyên đán 2022.

Quán ăn ở Q.1 vẫn im ỉm khóa

t.k

Chai lọ trang trí trước quán bám một lớp bụi dày

T.K

Nhiều quán cửa đóng, then cài

Trong khi đó, tại một quán bán lẩu và đồ nướng Hàn Quốc trên đường Phan Xích Long (Q.Phú Nhuận) cũng trong tình trạng tương tự khi phía trước quán cỏ dại mọc lên cao, cửa vẫn khóa. Bảo vệ tại một quán ăn gần đó cho biết từ ngày đi làm trở lại đến nay ông thấy quán vẫn tạm ngưng kinh doanh.

“Trước đó quán cũng có khách đều đặn, mà mấy nay không thấy mở cửa trở lại không biết thế nào. Nhìn mấy cây mọc lên tốt ghê, hôm trước cũng còn thấp thấp à, nay lên cao luôn”, chỉ vào đám cỏ tươi tốt mọc lên trước quán, bảo vệ nói.

Quán đóng cửa một thời gian dài vì dịch Covid-19

t.k

Một số quán cho biết chưa thể mở cửa vì thiếu nhân viên

T.K

Cây cảnh trang trí trước một quán ăn um tùm vì không được chăm sóc

t.k

Liên hệ với nhiều quán ăn vẫn còn đang đóng cửa tại Q.1, Q.Phú Nhuận... hầu hết các số điện thoại đều trong tình trạng thuê bao, không liên lạc được. Có quán cho biết hiện vẫn chưa có kế hoạch mở cửa trở lại trong thời điểm hiện tại vì nhiều lý do, nhất là khan hiếm nhân viên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.