TS Nguyễn Ngọc Huy (Facebook Huy Nguyen, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai) cho biết, theo ghi nhận trong vòng 20 giờ tính từ 19 giờ tối 10.11 đến 15 giờ chiều 11.11, mưa lớn xảy ra ở các tỉnh. Một số ghi nhận ban đầu cho thấy mưa to ở Khánh Hòa (281mm), Phú Yên (83mm), Ninh Thuận (157mm) và Lâm Đồng (144mm). Một số khu vực của thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) đã bị ngập lụt cục bộ.
Theo Dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam trung bộ trong tối 11.11 và ngày 12.11 mưa lớn sẽ tiếp tục diễn ra ở các tỉnh nêu trên và khả năng xảy ra lụt cục bộ ở mức cao hơn thời điểm hiện tại ở TP.Nha Trang. Khu vực Lâm Đồng đề phòng có lũ quét và sạt lở đất. Các khu dọc sông Cái, Phan Rang đề phòng có lũ quét và ngập lụt ở hạ lưu thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và huyện Thuận Nam.
TP.Nha Trang trong biển nước sau mưa lớn: người đi xe máy dắt bộ cả cây số |
Người dân vất vả dắt xe khi đường 23 tháng 10 (TP.Nha Trang, Khánh Hòa) chìm trong biển nước. Ảnh chụp chiều 11.11 |
PHẠM BÁ DUY |
Từ trưa 12.11, tâm mưa lớn sẽ di chuyển đến khu vực từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên - Huế và Bắc Tây Nguyên. Đợt mưa lớn này sẽ kéo dài từ ngày 12.11 đến ngày 18.11, với tổng lượng mưa ước tính khoảng 400 - 600mm cả đợt.
TS Nguyễn Ngọc Huy nhận xét, đây là một hình thái mưa rất nguy hiểm trong điều kiện các hồ chứa phía Tây của các tỉnh Nam Trung bộ đã đầy nước và đất đã ngậm no nước do mưa lâu ngày. Với dự báo kịch bản mưa như trên, người dân cần đề phòng ngập lụt ở các khu vực thấp trũng của Quảng Ngãi; Tam Kỳ, Hội An (Quảng Nam); H.Hòa Xuân (TP.Đà Nẵng), khu vực Quảng Điền và Phong Điền (Thừa Thiên-Huế). Các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên-Huế và Kon Tum cần cảnh giác và đề phòng ngập lụt kèm sạt lở đất và lũ quét. Khu vực Quảng Trị và Quảng Bình khả năng có mưa vừa trong ngày 17.11.
Mưa lớn tại Quảng Nam vào ngày 9.11 |
mạnh cường |
Trong khoảng thời gian từ 12 - 18.11, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ có mưa vừa, mưa to và mưa rất to, đặc biệt là vùng bán đảo Cà Mau với lượng mưa dự tính toàn đợt lên đến hơn 200mm.
Người dân cần lưu ý điều gì?
Ông Huy khuyến cáo người dân ở thành phố Nha Trang, Lâm Đồng và Phú Yên hạn chế ra đường trong đêm 11.11 và ngày 12.11 đề phòng nước lụt lên gây nguy hiểm tính mạng. Cần kê cao đồ đạc để tránh thiệt hại về tài sản.
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, người dân sống ở vùng thấp trũng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thừa Thiên-Huế cần kê cao đồ đạc, dự trữ nhu yếu phẩm trong ít nhất 1 tuần đề phòng lụt chia cắt các vùng. Cần sạc đầy thiết bị tích điện và phương tiện liên lạc đồng thời đánh giá nguy cơ nước lên thì có phương án sơ tán tại chỗ hoặc liên lạc trợ giúp của các đội xung kích phòng chống thiên tai tìm kiếm cứu nạn cấp xã phường.
Hàng ngàn tấn đất đá đổ xuống đoạn đường đèo Khánh Lê sáng 11.11 |
Người dân cung cấp |
"Người dân sống ở các sườn dốc, thung lũng, taluy âm và taluy dương ở các huyện miền núi cần tự đánh giá nguy cơ sạt lở đất và lũ quét nếu mưa liên tục 3 ngày không ngớt. Đối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, cần tạo đường thoát nước để nước mưa không vào hồ nuôi tôm quá nhiều sẽ dẫn đến thay đổi nồng độ muối và pH ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm. Với các ao hồ chứa nước, nên tận dụng cơ hội này để tích nước chuẩn bị cho mùa hạn sắp đến vào tháng 1 đến tháng 3 năm 2022", TS Nguyễn Ngọc Huy đưa ra lời khuyên.
Sạt lở kinh hoàng ở đèo Khánh Lê, tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt tê liệt |
Bình luận (0)