Hàng hóa tràn vào chùa
Những ngày qua, du khách hành hương về Khu di tích danh lam thắng cảnh quốc gia núi Chứa Chan không khỏi ngán ngẩm bởi tình trạng hàng rong lấn chiếm và bao bọc khắp nơi. Hàng loạt hàng quán, ô dù, lán bạt mọc lên san sát và lấn chiếm lòng đường từ bên ngoài dẫn vào khu di tích.
Tại các bậc đá dẫn lên chùa Bửu Quang cũng bị hàng quán chiếm gần hết cả lối đi. Trước cổng chùa, việc buôn bán cũng diễn ra hết sức bát nháo. Nhiều người còn mang gạo, muối, hương hoa... xông vào tận sân chùa, chánh điện để “đón đầu” du khách. Quanh chùa hễ có ngóc ngách nào trống đều bị các hộ dân chiếm dụng để bày đồ lưu niệm, đồ vàng mã, nhang…
Tại khu vực Thuyền Bát Nhã cũng chịu cảnh tương tự khi các sạp hàng lấn sát tới lưng các pho tượng trông phản cảm và mất đi sự tôn nghiêm. Không chỉ gây cản trở lối đi các hộ kinh doanh còn níu kéo, đeo bám mời mọc người hành hương mua đồ cúng chùa, quà lưu niệm gây khó chịu cho du khách.
Ông Hà Thế Cương, Phó ban điều hành Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan cho hay: "Có hơn 100 hộ buôn bán ở khu di tích, hàng hóa họ bán chủ yếu là gạo, muối, hương, hoa và đồ lưu niệm. Tình trạng buôn bán, lấn chiếm xung quanh khu vực chùa Bửu Quang cũng hết sức phức tạp. Đơn vị quản lý cáp treo đi dẹp thì họ chống đối nói là đất của chùa. Chúng tôi phản ánh với chính quyền địa phương nhưng cũng không ăn thua”.
Gồng mình xử lý
Trước thực trạng trên, lãnh đạo Sở VH-TT-DL tỉnh Đồng Nai và Ban quản lý di tích và danh thắng tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo xử lý việc lấn chiếm và buôn bán tại chùa Bửu Quang. Ông Đặng Công Ngoan, Bí thư xã Xuân Trường (H.Xuân Lộc) cho hay, liên tiếp mấy ngày liền lãnh đạo H.Xuân Lộc và xã Xuân Trường và Xuân Thọ (địa phận núi Chứa Chan) đã phối hợp cử lực lượng đến vận động, giải thích và di dời các hộ dân lấn chiếm, buôn bán trong nơi thờ tự ra bên ngoài.
“Có hơn 20 hộ buôn bán không cố định trong khu vực thờ tự. Họ có sạp quầy phía dưới nhưng bán không được nên mang hàng hóa tràn vào tận chùa bán. Lực lượng lên di dời thì họ phản ứng, chửi bới đủ thứ nên tình hình rất căng thẳng”, ông Ngoan nói.
Ông Ngoan chia sẻ thêm: “Họ vào buôn bán khiến trong chùa gây cản trở, mất mỹ quan văn hóa nơi thờ tự. Mình không cấm người dân buôn bán nhưng phải sắp xếp, lấy đường cho du khách đi lại. Vào các ngày 14, 15 âm lịch và ngày vía (18 âm lịch) khách đến rất đông nên tình hình diễn ra còn phức tạp hơn”.
|
Trao đổi với Thanh Niên, bà Huỳnh Thị Lành, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc cho biết, trong một thời gian dài chùa Bửu Quang không có người trụ trì chính thức, nên việc quản lý lỏng lẻo, để người dân tự ý mang hàng hóa vào khu thờ tự và mạnh ai nấy bán. Đa số các hộ buôn thúng bán bưng đu bám du khách. Khi du khách mua hàng ở các cửa hàng thuộc khu vực cáp treo thì người buôn thúng bán bưng “phi thẳng” vô chánh điện chèo kéo. Chính quyền liên tục lên vận động, di dời, đồng thời phối hợp với các bên liên quan bố trí, sắp xếp và hỗ trợ người dân vô buôn bán tại các ki ốt với giá thuê khá rẻ. Nhưng người dân theo thói quen, cứ đu bám theo du khách để bán hàng.
Bà Lành nói: “Mấy ngày qua, lãnh đạo huyện luôn túc tực trên núi để xử lý, hiện cơ bản di dời hết các hộ buôn bán bên trong chùa, nơi chánh điện và Thuyền Bát Nhã, trả lại sự trang nghiêm cho nơi thờ tự và khuôn viên cho người dân hành hương. Về lâu dài Ban trị sự chùa, Ban quản lý cáp treo và chính quyền phải có giải pháp để ổn định nơi buôn bán và kiên quyết không để xảy ra tình trạng lấn chiếm tái diễn”.
Ông Lê Minh Thiện, Trưởng ban điều hành Khu du lịch cáp treo núi Chứa Chan cho hay: “Ban quản lý cáp treo cũng đã đầu tư nhiều tỉ đồng xây dựng các dãy ki ốt khang trang ở ga cáp treo. Tiền thuê chỉ có 1,5 triệu đồng/tháng, thời điểm ít khách thì giảm xuống thấp hơn nhưng chỉ có khoảng chục hộ vào buôn bán, còn lại vẫn cứ tự ý bày biện gây mất mỹ quan và ảnh hưởng đến du khách”.
|
Bình luận (0)