Hãng thời trang Forever 21 phá sản

Mai Phương
Mai Phương
30/09/2019 15:07 GMT+7

Theo CNN, thương hiệu thời trang nhanh có trụ sở tại Los Angeles (California, Mỹ) Forever 21 cho biết đã nộp đơn phá sản vào ngày 29.9.

Hãng này dự định sẽ đóng cửa 178 cửa hàng trong số hơn 800 cửa hàng dù trong thư gửi khách hàng viết rằng “các quyết định về việc đóng cửa các cửa hàng trong nước đang trong thời gian xem xét và chờ kết quả từ cuộc trao đổi với các chủ thuê mặt bằng". Tuy nhiên, công ty cũng bày tỏ hy vọng một số lượng đáng kể các cửa hàng vẫn sẽ hoạt động bình thường và “chúng tôi không mong muốn phải rời khỏi bất kỳ thị trường lớn nào của Mỹ”.
Linda Chang, Phó chủ tịch điều hành của công ty, cho biết trong một thông cáo báo chí rằng việc nộp đơn phá sản là "một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty, cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị Forever 21”.
Forever 21 thành lập năm 1984 và nhanh chóng mở rộng ra khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. Công ty  hiện vẫn thuộc sở hữu của nhà đồng sáng lập là hai vợ chồng Do Won Chang và Jin Sook. CNN trích dẫn ước tính từ Forbes, Won và Chang hiện có tài sản 1,5 tỉ USD. Hãng Forever 21 có doanh thu hằng năm 3,4 tỉ USD với 30.000 nhân viên.
Forever 21 là nhà bán lẻ mới nhất tuyên bố phá sản trong bối cảnh mua sắm trực tuyến làm sụt giảm lượng khách hàng đến các trung tâm thương mại và cửa hàng truyền thống tại Mỹ. Trong những năm gần đây, nhiều nhà bán lẻ từng kinh doanh tốt cũng buộc phải nộp đơn phá sản. Chẳng hạn như tháng 4.2018, Nine West Holdingd - công ty sở hữu hàng loạt nhãn hiệu thời trang nổi tiếng như Nine West và Anne Klein - cũng nộp đơn xin phá sản vì nợ hơn 1 tỉ USD. Hay trước đó, chuỗi bán lẻ đồ chơi lớn nhất nước Mỹ - Toys 'R' Us - cũng tuyên bố sẽ đóng cửa hoặc bán lại toàn bộ 800 cửa hàng sau nhiều năm kinh doanh thua lỗ. Tương tự trong năm 2018 có thêm Công ty Sears Holding nộp đơn phá sản...
Từ đầu năm 2019 đến nay, các hãng bán lẻ Mỹ đã đóng cửa hơn 8.200 cửa hàng, vượt qua tổng số 5.589 cửa hàng của năm ngoái, theo dữ liệu từ Coresight Research. Hãng bán lẻ Payless ShoeSource và Gymboree của Mỹ đều đã đệ đơn xin phá sản lần thứ hai, đóng cửa tổng cộng gần 3.000 cửa hàng. Coresight dự báo số lượng cửa hàng bán lẻ truyền thống bị đóng cửa có thể lên tới 12.000 vào cuối năm 2019.
Forever 21 chưa mở cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên nhiều người dùng cũng đã quen thuộc với thương hiệu thời trang này, bên cạnh các tên tuổi thời trang nhanh khác như H&M, Zara hay Mango... Nhiều người ở Việt Nam khi mua quần áo Forever 21 chính hãng sẽ mua qua mạng tại các trang web của hãng ở Mỹ hay các nước châu Âu hoặc order (đặt hàng) của những người chuyên mua hàng nước ngoài, mua hàng xách tay. Hiện các trang web của Forever 21 vẫn bán hàng online bình thường. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.