Hàng trăm học sinh miền núi Quảng Ngãi 'mất sổ gạo'

21/03/2016 06:49 GMT+7

Sau quyết định thanh tra của huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi), năm học này, hơn 100 học sinh Trường tiểu học Trà Phong bị cắt chính sách hỗ trợ với học sinh bán trú.

Sau quyết định thanh tra của huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi), năm học này, hơn 100 học sinh Trường tiểu học Trà Phong bị cắt chính sách hỗ trợ với học sinh bán trú.

Tây Trà là huyện miền núi thuộc diện đặc biệt khó khăn với 95% dân số là đồng bào Cor. Thực hiện Quyết định 85/2010-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ học sinh bán trú và trường phổ thông dân tộc bán trú, năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định 84/QĐ-UBND.
Theo đó, tiêu chí xác định đối tượng là học sinh bán trú được quy định: Đối với trường hợp nhà xa trường khoảng cách từ 4 km trở lên với tiểu học và 7 km với THCS, đối với trường hợp địa hình cách trở, qua sông, suối (không có cầu), đồi núi cao có thể gây mất an toàn, nguy hiểm với học sinh, không thể đi về trong ngày, khoảng cách từ 1 km với tiểu học và 2 km với THCS.
Tuy nhiên, với đặc thù là một huyện miền núi có địa hình cách trở, việc thực hiện đúng quy định chính sách lại không đơn giản như vậy. Ông Nguyễn Trí Dũng, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trà Phong, phân trần: “Năm ngoái toàn trường có 148 em được hỗ trợ, sau quyết định thanh tra chỉ còn 42. Nhiều em chỉ thiếu khoảng vài trăm mét cũng bị cắt hỗ trợ. Nhiều bản làng, học sinh đầu bản thì được hỗ trợ, cuối bản lại không, dẫn đến phụ huynh so bì, thắc mắc”.
Theo các chính sách của Chính phủ, học sinh bán trú được hỗ trợ 15 kg gạo, 40% lương tối thiểu và thêm 10% lương tối thiểu với học sinh ở lại nhà dân. Cắt hỗ trợ, phần lớn học sinh là hộ nghèo chới với khi phụ huynh phải xoay xở để có cơm ăn, áo mặc, sinh hoạt phí cho các em.
Chính sách được ban hành với mục tiêu hỗ trợ học sinh miền núi đến trường, nhưng sự chênh lệch giữa những quy định trong chính sách và đặc thù địa phương vô hình trung tạo khó khăn cho các em.
Ông Nguyễn Trí Dũng phân trần: “Tôi có giãi bày với đoàn thanh tra về những khó khăn trong thực tế và kiến nghị huyện đề nghị tỉnh sửa đổi chính sách để phù hợp. Mỗi ngày đi học 2 buổi, các em sẽ đuối sức nếu cứ đi đi về về hằng ngày. Nếu được hỗ trợ bán trú, các em sẽ có điều kiện học hành tốt hơn”.
“Nếu làm đúng quy định, số học sinh bị cắt hỗ trợ có thể lên đến hàng nghìn. Các trường biết quy định quá chứ sao không, nhưng nếu làm nghiêm thì rất nhiều em bị thiệt thòi. Mong cấp trên xem xét sửa đổi”, ông Phạm Sơn - Trưởng phòng Giáo dục H.Tây Trà nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.