Hàng trăm ngàn người chạy bão số 10

15/09/2017 06:27 GMT+7

Bão số 10 (tên quốc tế Doksuri) được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 10 năm trở lại đây đổ bộ vào nước ta, với cấp độ thiên tai là cấp 4 trên 5.

Hàng trăm ngàn người dân từ Nghệ An đến Quảng Trị phải sơ tán tránh bão.
Sáng 14.9, Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Hà Tĩnh ra lệnh cho các địa phương, đơn vị huy động lực lượng sơ tán dân cư các xã vùng ven biển, ven cửa sông, cửa lạch đến nơi an toàn. 17 giờ chiều cùng ngày, công tác di dân đã cơ bản hoàn thành với số dân phải sơ tán lên tới 47.400 dân (10.928 hộ).
Hội Chữ thập đỏ VN chuẩn bị 1 tỉ đồng hỗ trợ các tỉnh miền Trung
Tối 14.9, T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN cử đoàn công tác vào các tỉnh miền Trung có khả năng bão đổ bộ để kịp thời chỉ đạo công tác cứu trợ. Cũng chiều qua, Hội Chữ thập đỏ VN đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10. Hội Chữ thập đỏ đã chuẩn bị 1 tỉ đồng và các hàng hóa thiết yếu chuyển vào các tỉnh miền Trung.
T.Hằng

Từ sáng sớm, loa truyền thanh tại nhiều xã thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) liên tục phát thông báo cho người dân ở các vùng ven biển chuẩn bị di dời.
Các hồ đập trên địa bàn được xả lũ để đảm bảo an toàn khi bão số 10 đổ bộ. UBND H.Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã điều động mọi lực lượng xuống tận các thôn xóm để sơ tán hơn 3.000 hộ dân sống ven biển và các địa bàn xung yếu, yêu cầu phải ưu tiên di chuyển các cụ già neo đơn hoặc có con cái ở xa đến tại Trường tiểu học Xuân Hội (xã Xuân Hội, H.Nghi Xuân) để tránh bão.
Tại điểm trường này, các cụ ông, cụ bà được UBND huyện bố trí người nấu ăn và chu cấp nhu yếu phẩm cần thiết. Bà Nguyễn Thị Em (89 tuổi, ngụ thôn Hội Thái, xã Xuân Hội) cho biết: “Nhà tui nằm sát bờ biển xã Xuân Hội, 8 đứa con đều ở xa. Tui lo thân già này không chạy nổi. Cũng may có chính quyền địa phương tới chở đến nơi trú ẩn nên giờ yên tâm rồi”.
Đến 17 giờ chiều cùng ngày, các huyện Kỳ Anh, Thạch Hà, TX.Kỳ Anh, cũng đã hoàn tất di dời gần 9.000 hộ dân với hơn 37.000 người đến nơi trú bão an toàn. Sở GD-ĐT tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu tất cả các trường cho học sinh nghỉ học đến hết ngày 16.9. Trao đổi với Thanh Niên, ông Ngô Đức Hợi, Chánh văn phòng PCTT-TKCN tỉnh Hà Tĩnh, cho biết tính đến 16 giờ ngày 14.9, hơn 6.000 tàu thuyền với hơn 17.000 lao động trên biển đã vào nơi tránh trú bão an toàn.
Tại Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các huyện ven biển Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Cửa Lò sẵn sàng phương án di dời hàng ngàn hộ dân khi có lệnh. Học sinh toàn tỉnh được nghỉ học ngày 15.9 để tránh bão.
Tỉnh Thanh Hóa cũng đã hoàn thành phương án sơ tán 57.801 hộ với 247.867 người dân sinh sống ở khu vực mép nước, cửa sông, ven biển đến tập trung tại các trường học kiên cố, trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn và các nhà cao tầng trong khu vực. Sở GD-ĐT tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, TP căn cứ tình hình thực tế để chủ động cho học sinh nghỉ học.
Tại Quảng Bình dự kiến có 20.290 hộ/76.069 người di dời; Thừa Thiên-Huế là 26.977 hộ/106.104 người di dời; Quảng Trị có 139.000 người dân di dời thuộc 141 xã. Sở GD-ĐT các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế đã cho học sinh nghỉ học từ chiều 14.9 và ngày 15.9. Nam Định cũng đã xây dựng kịch bản ứng phó nếu bão số 10 đổ bộ trực tiếp. Theo đó, nếu bão cấp 10 sẽ sơ tán 32.350 người, cấp 11 - 12 sẽ sơ tán 147.032 người.
Ngư dân gia cố nơi neo đậu tàu tại âu tàu xã Triệu An (H.Triệu Phong, Quảng Trị) Ảnh: Nguyễn Phúc
Những thiệt hại ban đầu
Lúc 14 giờ ngày 14.9, cơ quan chức năng và người dân đã tìm thấy thi thể ông Ngô Văn Hiển (38 tuổi, trú thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế). Trước đó, ông Hiển đang trên đường đi cạo mủ cao su về, khi qua suối đã bị nước lũ cuốn trôi. Cùng ngày, thôn Trung Thành (xã Phong Chương) xuất hiện lốc xoáy làm tốc mái 31 căn nhà.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi cho biết tính đến chiều tối 14.9 có 2 tàu cá bị sóng lớn nhấn chìm và 2 tàu bị hỏng máy, phá nước. Cụ thể, sáng 14.9, tàu cá QNg 98687 TS và QNg 94628 TS trong lúc chạy vào bờ tránh trú bão số 10 thì cả 2 tàu đều bị hỏng máy. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, tàu KN 360 (Vùng 3 Hải quân) tiếp cận và lai dắt tàu cá QNg 94628 TS cùng 9 ngư dân bị nạn về cảng Đà Nẵng. Riêng tàu cá QNg 98687 TS bị sóng đánh chìm.
Trên đường vào bờ, Vùng 3 Hải quân tiếp tục nhận tin tàu cá QNa 44011 với 3 ngư dân Quảng Nam bị phá nước, hỏng máy và tiếp tục ứng cứu. Chiều 14.9, tàu cứu nạn SAR 412 kéo tàu cá ĐNa 90875 cùng 11 ngư dân về cảng X50, TP.Đà Nẵng. Hiện lực lượng cứu nạn cũng đang giữ liên lạc với tàu cá BĐ 93065 của ông Nguyễn Đức Thái (8 ngư dân) bị hỏng máy giữa vùng biển Quy Nhơn và Tuy Hòa.
Ngoài ra, trưa 14.9, trên vùng biển cách cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi) khoảng 24 hải lý về hướng đông bắc, tàu cá QNg 94094 TS bị sóng lớn nhấn chìm. Hai ngư dân trên tàu được tàu cá QNg 94451 TS cứu vớt đưa vào bờ.
Đường đi dự kiến của bão số 10 lúc 23 giờ ngày 14.9 Nguồn: TT dỰ báo KTTV T.Ư 
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN Quảng Nam đến chiều qua cho biết, có 3 tàu cá không kết nối được liên lạc. Tại Thừa Thiên- Huế, tàu đánh cá số hiệu TTH-94889 của ông Lê Văn Ngọc (TT.Thuận An, H.Phú Vang) với 7 lao động chưa vào bờ.
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Bình Định cho biết đến chiều 14.9 vẫn còn 100 tàu của ngư dân Bình Định (600 thuyền viên) đang trong vùng nguy hiểm của bão, trong đó 90 tàu đang di chuyển xuống phía nam để tránh bão.
Hủy hàng loạt chuyến bay Tàu hỏa phải dừng hoặc chuyển tải dọc đường
Ngày 14.9, Vietnam Airlines (VNA) đã hủy 9 chuyến bay giữa Hà Nội và Đà Nẵng/Huế, giữa TP.HCM và Đồng Hới/Huế/Đà Nẵng; lùi giờ khai thác đối với chuyến bay Seoul (Hàn Quốc) - Đà Nẵng sang hôm sau. Ngày 15.9, hãng không khai thác 13 chuyến bay trên các đường bay giữa Hà Nội/TP.HCM - Huế/Đà Nẵng, 2 chuyến bay giữa Đà Nẵng và Đà Lạt. Một số chuyến bay nội địa của hãng sẽ bị chậm do ảnh hưởng dây chuyền.
Hãng hàng không Jetstar Pacific ngày 15.9 có 12 chuyến bay ngừng khai thác giữa TP.HCM - Thanh Hóa/Huế/ Vinh/Đồng Hới và giữa Huế - Đà Lạt, Đồng Hới - Chiang Mai.
Tổng công ty đường sắt VN thông báo hành khách đi các tàu SE7, SE5, SE9 xuất phát Hà Nội ngày 15.9 và các tàu SE2, SE4, SE10 xuất phát Sài Gòn ngày 14.9; các tàu SE8, SE6, SE10 xuất phát Sài Gòn ngày 15.9; tàu SE20 xuất phát Đà Nẵng ngày 15.9 có hành trình đi qua khu vực bão đổ bộ có thể phải dừng hoặc chuyển tải dọc đường do ảnh hưởng của bão. Các đoàn tàu có thể phải dừng tại ga Vinh (các tàu SE7, SE5, SE9) và ga Huế (các tàu SE2, SE4, SE6, SE8, SE10, SE20) là ga cuối cùng để tránh đoàn tàu đi vào vùng tâm bão và chạy lại khi điều kiện cho phép.
Đ.Mười - M.Khanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.