Nhiều ngày nay, trên địa bàn xã Tiền Tiến và P.Nam Đồng (TP.Hải Dương) xảy ra tình trạng hàng trăm tấn cá lồng của người dân bị chết hàng loạt.
Cá chết hàng loạt, vớt không xuể
Chiều cùng ngày, PV Báo Thanh Niên đã có mặt tại khu nuôi cá lồng của gia đình ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi, trú tại P.Hải Tân, nuôi cá tại sông Thái Bình, P.Nam Đồng, TP.Hải Dương). Lúc này, ông Nhạ đang tất bật chỉ đạo nhân công thu vớt cá chết.
"Với lượng cá chết và buộc phải bán tháo lên tới hơn 300 tấn, thiệt hại kinh tế đối với gia đình tôi là hơn 20 tỉ đồng. Tôi đang nợ ngân hàng gần 20 tỉ đồng và nợ các đơn vị cung cấp cám chăn nuôi hơn 10 tỉ đồng. Bình thường, cá chép giòn tôi bán ra thị trường 62.000 đồng/kg, nhưng đến nay lượng cá còn lại chưa bị chết người dân thu mua giúp, tôi chỉ bán được với giá 20.000 đồng/kg, nhưng lượng bán ra cũng không đáng kể vì chỉ là người mua nhỏ lẻ, ít có thương lái.
Với nhiều tấn cá chết, tôi chỉ bán được với giá 2.000 đồng/kg cho những người thu mua về làm thức ăn chăn nuôi hoặc để làm phân bón cây trồng", ông Nhạ nói.
Ông Nhạ cho biết thêm, cách đây khoảng 18 ngày, cá có dấu hiệu bất thường là bỏ ăn, không ăn cám nữa. Đến khoảng 1 tuần trở lại đây, cá chết hàng loạt, có những ngày vớt không xuể, ngoài nhân công được ông thuê, chính quyền địa phương, đoàn viên thanh niên cũng tới để hỗ trợ gia đình ông thu vớt, vận chuyển cá.
"Gia đình tôi cũng như nhiều hộ nuôi cá lồng ở P.Nam Đồng và xã Tiền Tiến đang đối mặt với tình cảnh trắng tay, rất là buồn nhưng không biết phải làm sao. Chúng tôi khẩn thiết mong muốn các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt như hiện nay để chúng tôi có phương án khắc phục, duy trì nghề nuôi cá lồng ổn định trở lại", ông Nhạ mong mỏi.
Ông Vũ Phạm Thiên, Chủ tịch UBND P.Nam Đồng, cho hay: "Trên địa bàn phường có tổng cộng 86 hộ nuôi nuôi cá lồng. Nhà ông Nhạ là hộ nuôi nhiều và thiệt hại nặng nhất vì đang trong thời kỳ xuất bán và nuôi nhiều lồng, trong khi các hộ khác chỉ có từ 5 - 7 lồng. Tổng lượng cá lồng chết đến thời điểm hiện tại (ngày 8.4 - PV) là khoảng 360 tấn, thiệt hại của các hộ nuôi rất là nặng nề. Tôi đang ở khu nuôi cá lồng của các hộ dân, mọi người đang sục khí ô xy và thả bột tạo ô xy mặt nước để có thể cứu lượng cá còn lại".
Trao đổi với PV Báo Thanh Niên, bà Lê Thị Hợp, Chủ tịch UBND xã Tiền Tiến (TP.Hải Dương), thông tin thêm, hiện địa phương có tất cả 51 hộ gia đình đang nuôi cá lồng trên sông Thái Bình và tất cả 51 hộ đều xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, thiệt hại khoảng hơn 300 tấn. Từ hôm qua đến nay, do lưu lượng dòng chảy lưu thông lớn hơn nên tình trạng cá chết đã thuyên giảm.
Cá thiếu ô xy do nồng độ khí độc trong nước cao
Ngày 8.4, thông tin từ lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Hải Dương cho biết, trước hiện tượng cá lồng chết bất thường trong gần 1 tuần qua, ngày 5.4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN-PTNT) đã về địa phương kiểm tra thực tế. Đoàn công tác đã lấy các mẫu nước trong lồng cá, lấy mẫu nước ở sông để phân tích.
Kiểm tra nhanh tại vị trí có nhiều cá chết cho thấy nồng độ ô xy hòa tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao dẫn tới cá thiếu ô xy. Theo nhận định, vào thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, lồng nuôi với mật độ cao, các con cá yếu sẽ chết rải rác. Cơ quan chuyên môn khuyến cáo người dân khi thời tiết thay đổi cần giảm cho ăn hoặc dừng cho ăn, tăng cường sục khí, khi cá chết cần phải vớt lên mang đi chôn lấp tránh ô nhiễm môi trường, làm lây lan dịch bệnh.
Được biết, chiều nay 8.4, UBND tỉnh Hải Dương đã giao Sở NN-PTNT tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ngành địa phương có nuôi cá lồng để tìm hiểu nguyên nhân cụ thể dẫn tới thực trạng này.
Dưới đây là những hình ảnh PV Báo Thanh Niên ghi nhận tại khu nuôi cá lồng của gia đình ông Đỗ Văn Nhạ:
Bình luận (0)