Hàng triệu lao động nước ngoài ở Ả Rập Xê Út có nguy cơ hồi hương giữa lúc cường quốc dầu thô chật vật đổi chính sách, giảm chi tiêu vì nguồn thu đi xuống cùng giá dầu.
Một người bán hàng ngồi chờ khách trong cửa hàng điện thoại di động ở Riyadh (Ả Rập Xê Út) - Ảnh: Reuters |
Mobarak Musa, một nhân viên bán điện thoại di động từ Syria, đã làm việc tại Ả Rập Xê Út 10 năm qua và đều đặn gửi một phần tiền lương anh có về nhà để giúp đỡ ba mẹ và ba anh em. Song sự thay đổi trong chính sách của Ả Rập Xê Út sẽ đồng nghĩa với việc anh không thể tiếp tục làm thế trong tương lai.
Hồi đầu tháng 3, Bộ Lao động Ả Rập Xê Út thông báo rằng trong vòng sáu tháng tới, người nước ngoài sẽ bị cấm bán và duy trì điện thoại di động cùng các phụ kiện điện thoại di động nhằm giữ việc làm cho người dân sở tại. Anh Musa trở thành một trong hàng trăm ngàn lao động nước ngoài có thể mất việc, về nước trong năm nay. Giá dầu thấp buộc cường quốc dầu mỏ phải hạn chế cơ hội tuyển dụng cho người ngoại quốc.
“Tôi không biết nơi nào khác để đi, tôi không biết công việc nào khác để làm”, anh Musa, người khoảng 30 tuổi chia sẻ trong cửa hàng điện thoại nhỏ của anh ở trung tâm thủ đô Riyadh.
Hàng triệu lao động nước ngoài từ Nam Á, Đông Nam Á và nhiều nơi khác từng đổ xô đến làm việc ở quốc gia Trung Đông giữa lúc kinh tế bùng nổ trong thập kỷ qua. Họ làm nhiều công việc trả lương thấp trong ngành công nghiệp dầu mỏ, xây dựng, dịch vụ và cũng đảm đương nhiều vị trí quản lý trung cấp và chuyên nghiệp.
Năm 2014, có 10,1 triệu người nước ngoài trên tổng số dân 30,8 triệu người của Ả Rập Xê Út, theo số liệu chính phủ công bố. Lao động ngoại quốc ở gửi 9,1 tỉ USD ra khỏi Ả Rập Xê Út trong quý 3/2015 và số tiền trên quan trọng với quê hương của họ.
Dòng chảy di dân tìm việc làm giờ đây có thể đảo ngược. Tăng trưởng kinh tế Ả Rập Xê Út đang chậm lại khi giá dầu rẻ làm ngân sách nước này thâm hụt gần 100 tỉ USD năm ngoái, buộc chính phủ cắt giảm chi tiêu. Nhiều nhà phân tích dự báo mức tăng GDP, số liệu trung bình là 5% mỗi năm từ 2006 đến 2015, sẽ giảm xuống dưới 2% trong năm nay.
Một người bán hàng người Yemen trong cửa hàng ở Dammam - Ảnh: Reuters
|
Một phần của thực tế này là vì nội quy lao động khiến việc sa thải nhân viên người Ả Rập Xê Út tốn kém và khó khăn, và làn sóng sa thải trong thời gian đầu thường có xu hướng chỉ ảnh hưởng lên người nước ngoài. Một giám đốc điều hành công ty lớn ở Ả Rập Xê Út nói rằng ông sẽ không ngạc nhiên nếu một triệu người nước ngoài sẽ phải rời khỏi đất nước vào cuối năm nay.
“Những thay đổi kinh tế đã bắt đầu gây áp lực lên thị trường lao động, khởi đầu đợt di cư của một bộ phận lớn người lao động nước ngoài”, nhà kinh tế Fadl al-Boainain nói.
Đến nay, các đợt sa thải chủ yếu tập trung ở lĩnh vực xây dựng, ngành mà giới phân tích ước tính đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 45% người nước ngoài.
“Sau 12 năm có công việc ổn định tại doanh nghiệp lớn, tôi bắt đầu phải cập nhật CV của mình để gửi cho nhiều nhà tuyển dụng khác”, Abu Fadi, kỹ sư người Palestine Lebanon cho biết. Công ty của anh ở Riyadh đối mặt với khủng hoảng thanh khoản và chưa trả lương cho nhân viên từ tháng 9.2015.
Làn sóng sa thải có thể sẽ lan ra các ngành khác trong tương lai. Một số chuyên gia nước ngoài được trả lương cao đã xem xét rời khỏi Ả Rập Xê Út vì họ nhận thấy ít cơ hội khi tài chính vương quốc này eo hẹp. Sau hơn 9 năm ở Ả Rập Xê Út, một nhà tư vấn hóa dầu người Anh ẩn danh đang cân nhắc trở về nhà vì các dự án và sự phê duyệt ngân sách bị trì hoãn.
“Ả Rập Xê Út với vị trí điểm đến hàng đầu cho người nước ngoài sẽ hạ nhiệt vì sự phụ thuộc lớn của đất nước vào doanh thu dầu mỏ, và mức độ của các biện pháp thắt lưng buộc bụng đã được lên kế hoạch”, cổng thông tin tuyển dụng trực tuyến Gulf Talent viết trong báo cáo công bố tháng này.
Trong khi đó, chính phủ Ả Rập Xê Út vốn đang thiếu tiền mặt để tạo thêm việc làm trong khối nhà nước cho công dân của họ và lo lắng rằng tỷ lệ thất nghiệp chính thức 11,5% sẽ còn tăng lên, hiện can thiệp nhiều vào thị trường lao động để khuyến khích người dân đi làm, bù đắp chỗ trống mà người nước ngoài từng đảm trách.
“Bộ Lao động nhắm mục tiêu tạo việc làm cho 1,3 triệu người Ả Rập Xê Út… Đang có kế hoạch quốc hữu hóa dần dần các công ty như taxi, du lịch và lữ hành, bất động sản, trang sức và rau quả”, ông Abalkhail nói.
Bình luận (0)