Ở Nà Nôm, người đi đào vàng đông như đi chợ. Chị Phạm Thị Phiên, 45 tuổi, một người dân Nà Nôm, xã Đường Âm, H.Bắc Mê, tỉnh Hà Giang cho biết, những hang vàng, lũng vàng ở Nà Nôm đều của người bản địa. Gần đây, các điểm nhiều vàng bị khai thác hết, “vàng tặc” bắt đầu mon men đến những nơi không được phép để kiếm ăn. Một trong những nơi đó là khu đồi núi gần điểm trường tiểu học thôn Nà Nôm.
Theo chỉ dẫn của chị Phiên, chúng tôi lại gần lán vàng của Nông Văn Tiên, nơi đang có một nhóm người làm việc. Họ có 5 người, đều ở địa phương. Hỏi, khai thác vàng ngay cạnh trường học thì có bị xã cấm không, Tiên thản nhiên: “Khi nào cán bộ xuống thì đi chỗ khác. Lúc họ đi mình lại làm tiếp. Đây là làm vàng thủ công, đồ nghề đơn giản nên dễ “chạy” lắm. Mà cả thôn này làm chứ đâu phải mỗi bọn mình đâu, nên cấm làm sao hết được”.
|
Tiên có tới 2 hầm vàng, mỗi hầm sâu 40–50 mét. Đất lấy từ dưới hầm lên từng bao tải trên cửa hầm, sau đó dùng xe rùa chở xuống khe nước dưới chân đồi đãi lấy vàng. Từ đây đến trường Tiểu học Nà Nôm chưa đầy 100 mét. Tiên cho biết trước đó anh ta vừa đào ngay đằng sau trường học, nhưng “bị thầy cô nói nhiều quá”, nên mới chuyển tới chỗ này.
Trò chuyện với PV Thanh Niên Online, thầy Nông Văn Mọc, chia sẻ điểm trường tiểu học Nà Nôm hiện có 6 lớp với gần 50 học sinh. Từ ngày những hang vàng xuất hiện, việc dạy và học ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cả thầy và trò đều nơm nớp lo trường lớp bị sập.
Cô giáo Bồn Thị Sáu cho hay, con cái những người đào vàng vẫn đang học ở đây. Cô dẫn chúng tôi ra bãi vàng nằm ngay sau trường để “xem tận mắt không có các anh lại bảo chúng tôi nói quá”. Trên khoảng đất chưa đầy 500 m2 có đến gần chục hố vàng có đường kính chỉ bằng chiếc mâm ăn cơm nhưng sâu hun hút. Một số hố vẫn còn can nước, chảo đãi... bỏ vương vãi. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn để mở đường cho việc làm vàng nằm ngổn ngang. “Những hố này sâu đến vài chục mét, em nào lỡ rơi xuống hố thì không biết sẽ như thế nào. Có kêu cứu cũng chưa chắc có ai nghe thấy”, cô Sáu nói.
Để “bảo vệ” học sinh, các thầy cô phải chặt cây làm hàng rào chắn ngang lối vào bãi vàng. Tuy nhiên, bãi đào vàng chỉ cách trường mươi bước chân, quanh khu vực có rất nhiều lối vào bãi vàng. “Ngoài việc lên lớp, chúng tôi phải cắt cử người trông nom các em, đặc biệt là các em lớp mẫu giáo. Trên lớp, chúng tôi dặn các em, nhưng dặn rồi vẫn cứ lo lắm”, thầy Mọc nói.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Lưu Bá Cường, Chủ tịch UBND xã Đường Âm khẳng định, xã không cho phép hai thác vàng trên địa bàn. Tuy nhiên, nạn “vàng thổ phỉ” tồn tại ở địa phương đã nhiều năm, khu vực điểm trường Nà Nôm chỉ là một trong số những nơi đang bị cày xới. “Chúng tôi đã rất nhiều lần cử cán bộ vào kiểm tra, nhắc nhở và thu hồi phương tiện nhưng tình hình vẫn cứ tiếp diễn. Những người đào vàng đều ở địa phương, thông thuộc địa hình nên rất khó để ngăn cản”, ông Cường nói.
Về nỗi lo của các thầy cô điểm trường tiều học xã Nà Nôm, ông Cường cho rằng việc “vàng tặc” xâm hại gần khu trường học là có thực nhưng cũng “chưa nghiêm trọng”.
Hà An - Quý Nguyễn
>> Tiếp tay cho “vàng tặc”
>> Truy quét “vàng tặc”
>> Doanh nghiệp bảo kê cho “vàng tặc”
>> Dân khốn khổ vì vàng tặc
>> Truy quét "vàng tặc
Bình luận (0)