Hàng Việt bị hất cẳng trên sân nhà: Thiếu tầm nhìn chiến lược

08/05/2016 08:41 GMT+7

Đó là một trong nhiều nhận định của bạn đọc về các bài viết Hàng Việt bị hất cẳng trên sân nhà và Họ “cao tay” hay ta chậm trễ? đăng trên Thanh Niên ngày 7.5.

Phải “lôi kéo” khách hàng
Các cơ quan quản lý của VN phải sớm đưa ra các giải pháp bảo vệ ngành bán lẻ trong nước. Đó là điều rất cấp bách trong tình hình hiện nay. Bởi, để càng lâu, khi người tiêu dùng đã quá quen và trở thành khách hàng thân thiết của hệ thống bán lẻ nước ngoài thì việc giành lại khách hàng là vô cùng khó khăn. Bên cạnh đó, các nhà bán lẻ nội địa phải cần có những bước đột phá, tạo hiệu ứng tốt với người tiêu dùng. Thực hiện được cả hai yếu tố ấy thì thị trường bán lẻ trong nước cũng sẽ có chỗ đứng của mình.
Đào Thị Yến
(TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Xem lại quy hoạch
Cần rà soát lại khoảng cách địa lý giữa các đại siêu thị, cửa hàng bán lẻ. Ai cũng thấy, hễ đại siêu thị của nhà bán lẻ nước ngoài mở cửa là khách hàng lại ồ ạt đến khiến các cửa hàng, siêu thị nội địa gần đó rơi vào trạng thái ế ẩm. Rà soát lại quy hoạch, ưu tiên cho ngành bán lẻ trong nước, có cơ chế khuyến khích các nhà sản xuất trong nước để đủ sức cạnh tranh. Đó cũng là cách giúp các nhà bán lẻ nội địa trụ được, cạnh tranh được với nhà bán lẻ nước ngoài trên sân nhà.
Võ Hoàng Minh Sang
(H.Cái Bè, Tiền Giang)
Phát triển phân phối lẫn sản xuất
Muốn ngành bán lẻ trong nước phát triển mạnh thì ngành sản xuất trong nước phải phát triển và có tính cạnh tranh cao. Ngược lại, muốn phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng nhanh và hiệu quả phải có hệ thống bán lẻ mạnh, rộng khắp. Trên thực tế chúng ta yếu cả khâu sản xuất lẫn phân phối. Các siêu thị của VN ít có sự đổi mới, chất lượng phục vụ còn rất kém, đã vậy còn cạnh tranh thiếu lành mạnh. Muốn đương đầu với các đối thủ ngoại, cần phát triển cả khâu sản xuất lẫn phân phối. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải biết đoàn kết, có chiến lược phát triển rõ ràng, vững mạnh thì mới đủ sức cạnh tranh.
Phạm Vũ Việt
(H.Trảng Bàng, Tây Ninh)
Tôi chọn ngoại, nếu…
Là người tiêu dùng thông minh trong thời đại thông tin thì không lý do gì tôi không chọn hàng ngoại thay cho hàng nội khi cả hai đồng giá. Ai cũng biết “chuẩn” của Thái và VN có nhiều khác biệt, thông thường chuẩn của Thái luôn cao hơn VN. Lon nước ngọt cùng thương hiệu nhưng ở Thái uống ngon, tinh khiết hơn ở VN. Chính vì lẽ đó nên người tiêu dùng sẽ chọn hàng Thái. Bản thân tôi cũng vậy, nhưng nếu hàng Việt đủ các yếu tố cạnh tranh thì tất nhiên là tôi ủng hộ hàng Việt.
Võ Thị Như Phương 
(P.3, Q.4, TP.HCM)
Phan Hoài Phương
VN chỉ chú trọng đến xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Khi các nhà bán lẻ nước ngoài đổ bộ vào VN và thâu tóm hơn 50% thị phần thì lúc này mới bắt đầu tỉnh ngộ. Đây là một sai lầm rất lớn, thiếu tầm nhìn chiến lược trong phát triển kinh tế trong thời hội nhập. Đã bước vào cuộc chơi chung thì VN phải chấp nhận những cơ hội lẫn thách thức!
Phan Hoài Phương
 (Q.4, TP.HCM)
Đinh Trúc Ly
Để doanh nghiệp bán lẻ VN không thua trên sân nhà thì cần phải đổi mới, tổ chức sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, chất lượng, đáp ứng kịp thời, nhanh nhạy nhu cầu của người Việt. Đã là siêu thị của Hàn, Thái, Nhật thì đương nhiên họ phải bán sản phẩm của đất nước họ. Và VN cũng vậy, siêu thị VN chỉ bán sản phẩm thuần Việt dành cho người Việt. Nếu sản phẩm tốt, đáp ứng được nhu cầu người Việt thì siêu thị Việt sẽ đông khách thôi.
Đinh Trúc Ly 
(Q.8, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
 (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.