Hành động của Mỹ trên Biển Đông

26/11/2015 00:00 GMT+7

Trung Quốc theo đuổi chiến lược “bắn tỉa” để từng bước mở rộng ảnh hưởng, tiến đến kiểm soát toàn bộ Biển Đông; trong khi Mỹ thể hiện quyết tâm, khả năng đóng góp một tầm nhìn tích cực trong tương lai khu vực, theo TS Patrick Cronin.

Trung Quốc theo đuổi chiến lược “bắn tỉa” để từng bước mở rộng ảnh hưởng, tiến đến kiểm soát toàn bộ Biển Đông; trong khi Mỹ thể hiện quyết tâm, khả năng đóng góp một tầm nhìn tích cực trong tương lai khu vực, theo TS Patrick Cronin.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tại Biển Đông 
- Ảnh: ReutersTàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tại Biển Đông - Ảnh: Reuters
Hành động của Mỹ trên Biển Đông
Sau khi tham dự hội thảo quốc tế lần thứ 7 về Biển Đông diễn ra trong 2 ngày 23 và 24.11 tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tiến sĩ Patrick Cronin (ảnh), Giám đốc cấp cao Chương trình an ninh châu Á - Thái Bình Dương thuộc Trung tâm an ninh nước Mỹ mới (có trụ sở tại Washington, Mỹ), đã gửi đến Thanh Niên bài viết nhận định về nỗ lực của Mỹ trong khu vực.
Hiện nay, Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược “bắn tỉa” để từng bước mở rộng ảnh hưởng, rồi tiến đến mục tiêu sau cùng là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Vì thế, tình hình khu vực Đông Nam Á đang trở nên căng thẳng. Trong khi đó, Mỹ đang hướng đến thúc đẩy một chiến lược, thể hiện quyết tâm và khả năng đóng góp một tầm nhìn tích cực trong tương lai đối với hòa bình và phát triển ở khu vực này.
Tái cam kết
Chiến lược trên được Washington đặt ra mục tiêu đảm bảo và thích ứng một trật tự khu vực dựa trên luật lệ. Yếu tố then chốt trong chiến lược của Mỹ chính là tái cam kết với các đồng minh, đối tác rằng tranh chấp sẽ không giải quyết kiểu áp bức và vũ lực, cách giải quyết phải dựa trên ngoại giao, luật pháp quốc tế và những quy tắc được các bên thống nhất.
Muốn làm được điều đó, Mỹ cần kết hợp hiệu quả cả quyền lực cứng và quyền lực mềm để Trung Quốc phải nhận ra rằng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp thô bạo sẽ phải trả giá lớn hơn so với các cách thức hòa bình qua kênh ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế. Sự thông hiểu lẫn nhau không chỉ giúp giải quyết vấn đề mà còn đảm bảo sự ổn định cho khu vực để cùng nhau phát triển.
Hiện nay vấn đề biến đổi khí hậu và mối đe dọa của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) trở thành thách thức chung mà thế giới đang đối mặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, Mỹ vẫn đang theo đuổi việc tái cân bằng toàn diện ở châu Á - Thái Bình Dương. Washington chứng minh cam kết bằng cách thúc đẩy Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), củng cố quan hệ với khối ASEAN và duy trì một lực lượng quân sự hùng mạnh kết hợp nối kết các hoạt động đảm bảo duy trì những quy tắc pháp lý ở khu vực.
5 nỗ lực của Washington

Mỹ cần kết hợp hiệu quả cả quyền lực cứng và quyền lực mềm để Trung Quốc phải nhận ra rằng giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp thô bạo sẽ phải trả giá lớn hơn so với các cách thức hòa bình qua kênh ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế

 

Bên cạnh đó, Mỹ cũng đang theo đuổi một loạt nỗ lực ở nhiều cấp độ để đạt được hiệu quả chiến lược về cải thiện sự ổn định và hòa bình trên Biển Đông, vốn đánh giá như tuyến hàng hải trụ cột của kinh tế toàn cầu lẫn an ninh khu vực.
Thứ nhất, Washington đang góp phần vào việc vận động sự gắn kết trong khu vực thông qua việc phối hợp với khối ASEAN, ví dụ như làm việc trên các nền tảng như Diễn đàn khu vực ASEAN hay Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á. Trong chuyến công du đến Malaysia để dự các hội nghị của ASEAN vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã mời tất cả lãnh đạo các nước ASEAN thăm Washington vào năm sau. Mỹ cũng thúc đẩy hợp tác với từng thành viên của khối, trong đó có VN.
Thứ hai, Mỹ ủng hộ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm cả các thiết chế được tạo ra để duy trì Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Mỹ kiên quyết ủng hộ Philippines khởi kiện lên Tòa trọng tài thường trực (PCA) về việc Trung Quốc đưa ra chủ quyền đường lưỡi bò trên Biển Đông.
Thứ ba, Mỹ cũng đang tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực hàng hải cho một số nước ở Đông Nam Á. Việc hỗ trợ này được thực hiện trên 3 mảng: Hình thành khả năng nhận diện tốt hơn thông qua chia sẻ thông tin và công nghệ mới; Nâng cao năng lực bảo vệ bờ biển; Xây dựng hướng đến năng lực phòng thủ hữu hiệu; Washington đang tăng cường hỗ trợ các đối tác bằng cách theo đuổi sáng kiến mới về xây dựng khả năng hàng hải trong thời gian 5 năm và trị giá 425 triệu USD.
Thứ tư, Mỹ đang đẩy mạnh hiện diện quân sự trong khu vực bằng cách tăng cường các chương trình huấn luyện và hoạt động tự do hàng hải để nhấn mạnh các quy tắc luật pháp quốc tế. Gần đây, Washington đã điều tàu khu trục USS Lassen áp sát đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở đá Subi thuộc Trường Sa.
Cuối cùng, Mỹ cũng thúc đẩy ngoại giao song phương với Trung Quốc lẫn các đối tác đóng vai trò quan trọng trên Biển Đông, bao gồm một số nước như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Với Bắc Kinh, Washington không chỉ duy trì vấn đề Biển Đông trong các chương trình nghị sự, mà còn tìm kiếm một số thỏa thuận để hình thành cơ chế giải quyết khủng hoảng, căng thẳng leo thang.
Mỹ theo đuổi 2 mục tiêu trong ngoại giao song phương với Trung Quốc là: Đảm bảo Bắc Kinh hiểu rằng sẽ phải trả giá và lãnh hậu quả nếu cứ hành động hung hăng; Đồng thời trấn an Bắc Kinh rằng Mỹ không có ý định làm suy yếu các lợi ích cốt lõi (hợp pháp) của Trung Quốc. Thông qua đó, Washington kỳ vọng có thể đóng góp cho sự ổn định, hòa bình ở Biển Đông trong những thập niên tới.
Nhật ủng hộ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani đã bày tỏ sự ủng hộ đối với việc tàu chiến Mỹ tuần tra gần một đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Đông. Theo AP, phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ Harry Harris ngày 24.11, Bộ trưởng Nakatani cho biết quân đội Mỹ đang đi đầu trong những nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ các vùng biển mở, tự do và hòa bình ở Biển Đông, đồng thời khẳng định Nhật ủng hộ các hành động của Mỹ. Kyodo News đưa tin tại cuộc gặp trên, Đô đốc Harris đã khẳng định với ông Nakatani rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động như thế trong thời gian tới. Hai ông cũng nhất trí sẽ tiếp tục tiến hành tập trận chung giữa quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ biển Nhật cũng như giữa 2 nước này với Úc, đồng thời hỗ trợ các nước Đông Nam Á tăng cường năng lực của họ. Trong hôm qua, Nhật và Mỹ đã kết thúc cuộc tập trận “chiến tranh công nghệ cao” kéo dài 10 ngày với sự tham gia của hơn 30 tàu chiến và hàng chục máy bay, bao gồm cả tàu sân bay USS Ronald Reagan.    
Trùng Quang
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.