'Hành động của Trung Quốc trên Biển Đông dẫn tới chạy đua vũ trang'

25/07/2015 13:24 GMT+7

(TNO) Tất cả các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông có tác động rất nghiêm trọng đến an ninh và sự cân bằng quyền lực tại khu vực. Thậm chí các hành vi đó còn có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cựu Phó Đô đốc Ấn Độ Anup Singh khẳng định.

(TNO) Tất cả các hành vi gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông có tác động rất nghiêm trọng đến an ninh và sự cân bằng quyền lực tại khu vực. Thậm chí các hành vi đó còn có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, cựu Phó Đô đốc Ấn Độ Anup Singh khẳng định.

Cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền đông Ấn Độ khẳng định những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua là chống lại xu thế hòa bình, ổn định cũng như sự cân bằng quyền lực tại khu vực - Ảnh: Nhật Đăng
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên Online bên lề Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” ngày 25.7, cựu Phó Đô đốc Anup Singh, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền đông Ấn Độ nói rằng những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua là chống lại xu thế hòa bình, ổn định cũng như sự cân bằng quyền lực tại khu vực.
Theo ông Anup Singh, Biển Đông hiện nay là vùng biển quan trọng nhất trên thế giới với tuyến hàng hải sôi động có tác động đến nhiều nước lớn trên thế giới; chính vì thế, những hành động của Trung Quốc lại càng khiến Biển Đông trở thành điểm nóng căng thẳng hàng đầu.
“Trung Quốc đã đơn phương hành động trái với luật pháp quốc tế, bất chấp sự quan ngại của nhiều nước và dư luận quốc tế”, ông Anup Signh nói với Thanh Niên Online. Việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông thực sự nguy hiểm đối với cấu trúc ổn định, hòa bình của khu vực, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Cựu Phó Đô đốc Ấn Độ cho rằng, một trong những tác động tiêu cực khác từ các hành động của Trung Quốc là có thể kích động các cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực này. “Hành vi của Trung Quốc không đơn thuần là mục đích dân sự, không nghi ngờ gì nữa, Trung Quốc đã và đang tiến hành các hành động quân sự hóa trên Biển Đông, do đó có thể dẫn tới một cuộc chạy đua vũ trang”, ông Anup Singh nói.
Các học giả thảo luận trong Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên Biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế và thương mại khu vực” ngày 25.7 - Ảnh: Nhật Đăng
Cụ thể, theo ông Anup Singh, cuộc chạy đua vũ trang này sẽ biểu hiện ở việc các nước tăng chi phí quốc phòng cả vốn lẫn doanh thu thông qua việc mở rộng quân sự và các cuộc tập trận. Bên cạnh đó, các nước sẽ cạnh tranh về “độ sẵn sàng” của quân đội và các quốc gia có thể sẽ "chạy đua" sự hiện diện nhiều hơn của các lực lượng trong khu vực. Xa hơn nữa, các nước sẽ có thể có thêm các động thái đòi hỏi "quyền tài phán" trong khu vực này.
Bên cạnh những tác động tiêu cực về mặt an ninh và quân sự nói trên, ông Anup Singh cũng trao đổi với Thanh Niên Online rằng: “Việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông gây tổn hại đến thương mại và kinh tế hàng hải quốc tế. Bởi lẽ, hàng năm thương mại quốc tế liên quan đến tuyến hàng hải qua Biển Đông chiếm tỉ lệ rất cao và các nước như Mỹ cũng không đứng ngoài những lợi ích này”.
Trả lời câu hỏi về vai trò của các nước khác đối với các giải pháp giảm căng thẳng tại khu vực, đặc biệt là các hành động phi pháp của Trung Quốc, nguyên Tổng tư lệnh lực lượng Hải quân miền đông Ấn Độ cho rằng, việc cộng đồng quốc tế lên án hành vi của Trung Quốc sẽ có tác động phần nào; tuy nhiên, những nước lớn như Mỹ cần có thái độ kiên quyết và vai trò lớn hơn để gây áp lực cho Trung Quốc buộc nước này phải giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật quốc tế.
Theo ông Anup Singh, hiện Mỹ vẫn chưa tham gia vào Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển năm 1982 nên đây sẽ là môt trở ngại đối với Mỹ trong việc gây sức ép cho Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.