Tại hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường hôm qua 24.8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các địa phương từ chối cấp phép những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm hoặc đình chỉ hoạt động công trình nguy hại; đồng thời nhấn mạnh “cần hành động ngay lập tức” để bảo vệ môi trường.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng TN-MT Trần Hồng Hà cho biết hiện cả nước vẫn còn 44/439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỷ lệ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ xả nước thải, khí thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường năm 2015 là 24,5%, đã giảm đáng kể so với mức 45,9% của 5 năm trước.
Tuy nhiên, vẫn còn 71 khu công nghiệp (KCN) chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung (chiếm 25%); trong 615 cụm công nghiệp đang hoạt động mới chỉ có khoảng hơn 5% đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các KCN, cụm công nghiệp còn lại, hoặc tự xử lý nước thải hoặc xả trực tiếp ra môi trường. Ngoài ra, vẫn còn hơn 4.500 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.
Tăng trưởng không đủ phục hồi môi trường
|
Dù VN đang nổi lên như một điểm sáng về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), song Bộ trưởng Trần Hồng Hà thừa nhận FDI có chiều hướng dịch chuyển dòng vốn vào các ngành tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường như luyện kim, sửa chữa tàu biển, dệt may, sản xuất bột giấy, sản xuất hóa chất... Thực tế, VN đã có một số dự án FDI vi phạm pháp luật gây ô nhiễm môi trường như Vedan, Miwon, nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Công ty Lee&Man và đặc biệt là dự án Formosa.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhìn nhận việc môi trường bị ô nhiễm đã xảy ra trên diện rộng. Đặc biệt, sự cố Formosa được ông đánh giá như là “hồi chuông cảnh tỉnh, là tối hậu thư về trách nhiệm bảo vệ môi trường”.
Chất thải uy hiếp du lịch
|
Ông Thành cho hay địa phương đang có nhiều chính sách để chuyển dịch từ “thành phố nâu” vốn nổi tiếng với đóng tàu, sắt thép sang “thành phố xanh” đặt trọng tâm du lịch và công nghệ cao. “Trong năm 2015, chúng tôi đã từ chối 23 dự án với số vốn khoảng 400 triệu USD do nguy cơ gây ô nhiễm vì công nghệ lạc hậu. Mới đây nhất thành phố cũng đóng cửa 2 nhà máy giấy gây ô nhiễm”, ông Thành cho biết và thừa nhận có hiện tượng một số nhà máy như xi măng, nhiệt điện xả thải trộm, đối phó chứ không qua hệ thống xử lý. Vì thế, thành phố đang lên phương án kiểm soát điện năng tại các hệ thống xử lý chất thải để khi thấy lượng điện tiêu thụ giảm bất thường thì sẽ có thanh kiểm tra.
Tương tự, ông Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng áp lực bảo vệ môi trường với địa phương đón 8 triệu lượt du khách/năm là rất lớn khi mà sản lượng khai thác than chiếm 90% cả nước, với 6 nhà máy nhiệt điện, 4 nhà máy xi măng - đều là những công trình nguy cơ ô nhiễm cao. Ông cho biết tỉnh vừa chi 150 tỉ đồng để đầu tư 6 trạm quan trắc môi trường. Bên cạnh đó, dù không nêu tên dự án cụ thể bị từ chối song lãnh đạo tỉnh khẳng định địa phương đã nói không với nhiều dự án công nghệ lạc hậu.
Cần hành động ngay lập tức
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận những thách thức, khó khăn khi môi trường phải chịu sức ép lớn do tăng trưởng kinh tế. “Một thời kỳ chúng ta xây dựng mô hình lấy tăng trưởng kinh tế làm trọng tâm, nên đã lạm dụng việc khai thác tài nguyên, thu hút cả những dự án có công nghệ lạc hậu mà chưa lường hết nguy cơ tiềm ẩn sự cố môi trường, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, ở những vùng nhạy cảm, ven biển”, Thủ tướng nói. Vì thế, người đứng đầu Chính phủ đánh giá cao những địa phương đã có động thái kiên quyết từ chối cấp phép với công trình có nguy cơ ô nhiễm. “Tới đây Chính phủ cũng vào làm việc với tỉnh Bình Thuận, nếu nhà máy nào tiếp tục gây ô nhiễm thì cũng phải đóng cửa”, Thủ tướng quyết liệt.
Lãnh đạo Chính phủ lưu ý Bộ TN-MT một số giải pháp như xem xét yêu cầu doanh nghiệp ký quỹ môi trường trước khi thực hiện dự án để thể hiện trách nhiệm; nghiên cứu lập ủy ban ứng phó các tình huống khẩn cấp đi kèm các quy chế phối hợp, phản ứng khi có sự cố, tránh phản ứng chậm, lúng túng như trong vụ việc Formosa vừa qua.
Cùng với đó, Thủ tướng cho rằng cần thiết đưa tiêu chí môi trường thành một chỉ số xếp hạng toàn quốc như năng lực cạnh tranh hay cải cách hành chính để gắn với trách nhiệm người đứng đầu các địa phương. “Bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm với tương lai mà là mối đe dọa hiện hữu cho chúng ta hiện nay. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính mình, nên cần hành động ngay lập tức, kế hoạch ngắn hạn lẫn chiến lược lâu dài”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Bình luận (0)