Hành động sớm để giành quyền đánh thuế bổ sung với các doanh nghiệp FDI

Nguyên Nga
Nguyên Nga
29/03/2023 20:17 GMT+7

Thông điệp trên được nhiều chuyên gia đưa ra tại tọa đàm "Thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu - Triển vọng và thách thức trong thu hút FDI trên địa bàn TP.HCM" do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Trung tâm hội nhập quốc tế và Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức ngày 29.3.

Ưu đãi thuế hết phép

Đặt vấn đề chất lượng môi trường đầu tư quan trọng hơn các chính sách ưu đãi, ông Phan Vũ Hoàng, Phó tổng giám đốc Deloitte Việt Nam, cho rằng nếu Việt Nam không có những hành động kịp thời và phù hợp thì có thể không giữ được quyền đánh thuế tại nước chủ nhà khi các quốc gia đầu tư sẽ thực hiện thu thuế bổ sung. Đến nay, một số nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Thái Lan đã lên kế hoạch và tuyên bố sẽ áp dụng thuế tối thiểu nội địa nhằm"giành quyền" đánh thuế bổ sung, không để chảy sang các quốc gia khác. Đây là điểm Việt Nam cần học hỏi.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó chủ tịch VIAC, nhận xét đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn dùng hai công cụ ưu đãi về thuế và giá đất để thu hút vốn đầu tư. 

Sớm bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế - Ảnh 1.

Sẽ có hơn 1.000 doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024

NG.NG

Nếu từ năm 2024 thực hiện chính sách trên, dự báo Việt Nam sẽ có 1.015 doanh nghiệp FDI bị ảnh hưởng. Với việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu (đã có 141 nền kinh tế tham gia), bài toán đặt ra cho Việt Nam là cần xây dựng chính sách để vẫn thu hút được các nhà đầu tư chiến lược. "Các biện pháp ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp hiện đang áp dụng sẽ không còn giá trị nên Việt Nam cần sớm có những giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả, song song đó, ban hành những chính sách mới trong thu hút đầu tư nước ngoài", TS Trần Du Lịch nói. 

Tập trung cho chất lượng lao động, môi trường đầu tư

Đề xuất thay đổi tư duy tiếp cận thu hút FDI chất lượng cao, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng Việt Nam sẽ thận trọng trong việc điều chỉnh thuế suất và cần bỏ cách tiếp cận ưu đãi thuế trong thu hút FDI, tạo lập môi trường cạnh tranh công bằng và bình đẳng.

"Mong muốn của chúng ta khi hút FDI là tạo công ăn việc làm, tăng trưởng xuất khẩu, phát triển công nghiệp. Cho dù Việt Nam có tăng thuế hay không, các tập đoàn đa quốc gia vẫn phải đóng thuế bổ sung ở nước khác theo quy định thuế tối thiểu toàn cầu. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam đang có dấu hiệu chuyển giá…"- TS Đỗ Thiên Anh Tuấn nói và nhấn mạnh, phải loại bỏ tư duy thu hút FDI bằng ưu đãi thuế. Thay vào đó, cần tập trung đầu tư cho chất lượng lao động để nguồn nhân lực trở thành hấp lực chính trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đồng tình, công cụ ưu đãi thuế trong thu hút đầu tư bao năm qua vẫn là chủ đạo tại Việt Nam. Đó là miễn 4 năm đầu, giảm 9 năm tiếp theo, ưu đãi 23 lĩnh vực đặc biệt, 7 lĩnh vực ưu đãi thấp hơn và chủ yếu áp dụng trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao…

Thuế suất phổ thông là 20% nhưng theo ước tính sơ bộ, thuế thực tế đối với doanh nghiệp FDI hiện nay ở Việt Nam là 12,3%, thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng từ đầu năm 2024 sẽ là 15%. Thậm chí có một số tập đoàn lớn còn được ưu đãi thuế ở mức 2,75% - 5,95%. 

Ông Hiếu nói: "Chúng ta thắt lưng buộc bụng để ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng phần 'hy sinh' đó lại mang về cho các quốc gia mà công ty có trụ sở. Nếu không hành động sớm và thống nhất, chúng ta sẽ mất quyền thu thuế bổ sung này".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.