Hành trình ấn tượng của một thương hiệu viễn thông hàng đầu Việt Nam

13/10/2023 08:00 GMT+7

Là nhà mạng di động đầu tiên được cung cấp thương mại tới người dân, MobiFone đã từng bước trở thành một thương hiệu viễn thông hàng đầu.

Giải pháp smart office của MobiFone tích hợp nhiều tính năng cho các doanh nghiệp

Giải pháp smart office của MobiFone tích hợp nhiều tính năng cho các doanh nghiệp

Đặt những viên gạch đầu tiên cho mạng viễn thông

30 năm trước, Công ty Thông tin di động (VMS) - tiền thân của Tổng công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) chính thức được thành lập, đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử ngành viễn thông tại VN. Với việc trở thành nhà mạng di động đầu tiên được cung cấp thương mại tới người dân, MobiFone với slogan nổi tiếng "Mọi lúc - Mọi nơi" đã từng bước trở thành một phần quan trọng, ghi dấu ấn trong cuộc sống của nhiều thế hệ người Việt. Thậm chí, slogan này còn được nhiều người "ứng dụng" vào nhiều hoạt động quen thuộc khác trong cuộc sống.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, quá trình phát triển cũng vấp phải nhiều khó khăn thách thức. Tuy nhiên, với tinh thần cống hiến và tận tụy, đổi mới và sáng tạo, đặt quyền lợi của người dân, khách hàng lên hàng đầu, tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên MobiFone đã cùng nhau đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế đất nước.

Đội ngũ chăm sóc khách hàng tậm tâm

Đội ngũ chăm sóc khách hàng tận tâm

Ảnh: MobiFone

Ngày nay, MobiFone đã trở thành "ông lớn" trong ngành viễn thông cũng như hệ thống doanh nghiệp VN khi nhiều năm liên tiếp nằm trong Top 100 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới theo báo cáo của Brand Finance. Thậm chí, giá trị thương hiệu của nhà mạng này cũng liên tục gia tăng. Mới đây, Báo cáo "Xếp hạng 100 thương hiệu mạnh nhất và giá trị nhất VN do Brand Finance (Anh) công bố, giá trị thương hiệu MobiFone năm 2023 tăng 18,5% từ 661 triệu USD (năm 2022) lên 783 triệu USD, đứng trong top 15 thương hiệu có giá trị thương hiệu mạnh và giá trị nhất VN. Đây thật sự là kết quả có ý nghĩa, nhất là trong bối cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn trước biến động của thị trường, sức cầu yếu, rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát tăng cao. Như vậy, MobiFone tiếp tục chuỗi 8 năm liên tiếp tăng giá trị thương hiệu ngay cả trong bối cảnh ngành viễn thông gặp nhiều khó khăn và chứng kiến sự suy giảm của nhiều thương hiệu lớn. Giá trị thương hiệu năm 2023 đã tăng 45,3% so với con số lần đầu MobiFone góp mặt trong bảng xếp hạng thương hiệu giá trị nhất toàn cầu của Brand Finance năm 2016 như là một minh chứng cho thấy nhà mạng đã được người tiêu dùng tin tưởng, yêu thích.

Tăng trưởng về thương hiệu cũng cho thấy những nỗ lực trong sản xuất kinh doanh và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số của công ty đã đạt kết quả. Viễn thông là nguồn doanh thu chủ lực, nhưng đứng trước giai đoạn bão hòa của thị trường viễn thông, MobiFone đã và đang thực hiện chuyển đổi thành doanh nghiệp công nghệ số có hệ sinh thái số toàn diện, với 3 lĩnh vực kinh doanh chính gồm hạ tầng số, giải pháp/nền tảng số và dịch vụ nội dung số, nhằm "nâng tầm cuộc sống" cho các đối tác, doanh nghiệp và khách hàng cá nhân của MobiFone. Cùng với việc mở rộng kinh doanh sang không gian số, MobiFone đã đạt được những thành quả bước đầu, khi các sản phẩm - dịch vụ thuộc hệ sinh thái số như MobiFone Money, mobiEdu, MobiFone Smart Office, mobiAri…

Giá trị thương hiệu MobiFone năm 2023 tăng cao

Giá trị thương hiệu MobiFone năm 2023 tăng cao

Ảnh: MobiFone

Bước đi của MobiFone mang nhiều ý nghĩa

Cho đến bây giờ, những bước đi của MobiFone vẫn mang nhiều ý nghĩa. MobiFone có dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt bậc nhất Việt Nam; tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chính sự cạnh tranh này tạo ra mức độ hài lòng và các mức giá cước ngày càng hấp dẫn hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, có một thực tế, ngành viễn thông truyền thống hiện đang bị giảm dần không gian tăng trưởng do ảnh hưởng mạnh của mạng xã hội và yêu cầu cao của khách hàng. Hiện cáp quang đã phủ sóng rất rộng, internet phát triển, các dịch vụ càng nhiều thì càng thu hẹp ngành di động, cả về dịch vụ lẫn không gian tăng trưởng. Ngành di động cần tìm không gian tăng trưởng mới, các sản phẩm, dịch vụ mới mà tiện ích cần gắn với sự phát triển của đời sống xã hội thông minh, sự tin tưởng, tin dùng và mong muốn của người dùng. Tôi hy vọng, MobiFone sẽ tiếp tục khẳng định vị thế trong công nghệ và danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới của mình trong việc hiện đại hóa hạ tầng, hệ sinh thái số của MobiFone và cho tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực chuyển đổi số thành công.

(GS-TSKH Đỗ Trung Tá - nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - nay là Bộ Thông tin - Truyền thông)

Chuyển mình để phát triển

Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh sản xuất kinh doanh vào lĩnh vực truyền thống của mình là viễn thông di động, trong những năm qua, MobiFone còn liên tục đầu tư, phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực như phát triển mới các kết nối di động, giải pháp công nghệ thông tin doanh nghiệp và dịch vụ số. Đặc biệt, với việc là một trong 3 nhà mạng đầu tiên trong nước đầu tư, triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G vào năm 2019, MobiFone đã góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam vào danh sách những quốc gia tiên phong áp dụng thành công công nghệ cao này trên thế giới, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và năng lực Việt với bạn bè năm châu.

Thế nhưng, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ số cùng xu hướng toàn cầu hóa, kết nối IOT… đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới ngành viễn thông trong nước. Thay vì các phương thức liên lạc truyền thống SMS, thoại, người dùng đang dần chuyển sang các phương thức liên lạc, kết nối mới qua mạng xã hội, qua internet. Trong khi đó, thị trường di động VN cũng đang bước vào giai đoạn bão hòa. Năm 2020, tỷ lệ sử dụng SIM đã đạt mức 137%. Theo nhận định của hãng kiểm toán E&Y, sự cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã đẩy ngành di động đến mức bão hòa và giảm khả năng sinh lời theo xu hướng toàn cầu. Các con số đáng lưu tâm còn được thể hiện trong Báo cáo tổng kết ngành của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu lĩnh vực viễn thông trong nước chỉ ước đạt 138.000 tỉ đồng, chỉ tăng 1,6% so với năm 2021. Lợi nhuận sau thuế năm 2022 ước đạt 44.500 tỉ đồng, tăng 3,8% so với năm 2021. Thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone ước đạt 75,80%, tăng 1,4% so với năm 2021…

Cùng với sự bão hòa của thị trường viễn thông di động là việc chuyển hướng kinh doanh đồng thời đáp ứng lời kêu gọi Chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ đã dẫn đến những quyết sách chuyển đổi kịp thời với MobiFone. Có thể nói rằng cho tới thời điểm hiện tại, MobiFone đã phát triển được một hệ sinh thái số với các giải pháp giáo dục số mobiEdu, truyền thanh thông minh, y tế số, tài chính số (ví điện tử và tiền điện tử MobiFone Money). Những giải pháp đó không chỉ đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân mà còn góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia và theo kịp trong xu thế số hóa toàn cầu. Như vậy, từ một doanh nghiệp viễn thông di động thuần túy, trong những năm gần đây, MobiFone đang từng bước chuyển mình thành một doanh nghiệp công nghệ số với đa dạng các dịch vụ số hóa chất lượng cao.

Triển khai công nghệ thực tế ảo

Triển khai công nghệ thực tế ảo

Ảnh: MobiFone

MobiFone đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước

MobiFone liên tiếp đạt nhiều giải thưởng trong và ngoài nước như Top 10 ngành Dịch vụ số - Bán lẻ Thương hiệu mạnh Việt Nam năm 2020-2021; Top 10 Thương hiệu mạnh Việt Nam ngành Công nghệ năm 2022, Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022, Top 100 thương hiệu viễn thông giá trị nhất thế giới (2020, Brand Finance), Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022. Trong bối cảnh thị trường viễn thông đã dần bão hòa và càng ngày càng khó khăn, MobiFone đã đặt ra cho mình mục tiêu "giữ vững viễn thông - tấn công không gian mới". Dựa trên 5 trụ cột chính là "Khách hàng - Sản phẩm - Công nghệ - Vận hành - Năng lực", MobiFone đặt cho mình những mục tiêu cụ thể cho tới năm 2025 phát triển nhanh chóng các sản phẩm dịch vụ số mới ngoài viễn thông như: kinh doanh hạ tầng số, cung cấp các nền tảng/giải pháp số - nội dung số; xây dựng hệ sinh thái số MobiFone ngày càng hoàn chỉnh". Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam, góp phần xây dựng Chính phủ số, Xã hội số và Kinh tế số.

Song song đó, MobiFone cũng đang đồng hành chặt chẽ cùng các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện chuyển đổi số. Chẳng hạn, đầu năm nay, MobiFone đã cùng Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines ký hợp tác chiến lược giai đoạn 2023 - 2028. Thỏa thuận hợp tác sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng không và viễn thông - công nghệ thông tin, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để Vietnam Airlines và MobiFone mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Theo đó, Vietnam Airlines sẽ hợp tác với MobiFone để xây dựng các hạ tầng số của hãng như hệ thống điện toán đám mây (Cloud Computing), hạ tầng kết nối trong nước và quốc tế, mạng viễn thông dành riêng và công cộng ứng dụng công nghệ 4G, 5G… MobiFone cũng sẽ phối hợp Vietnam Airlines triển khai các nền tảng số, giải pháp số dành cho Vietnam Airlines như văn phòng điện tử, hợp đồng điện tử, tự động hóa quy trình (RPA), họp trực tuyến, quản trị dữ liệu…; các dịch vụ số về thanh toán, thương mại điện tử, trải nghiệm khách hàng, quản trị vận hành, khai thác dữ liệu và các giải pháp số khác mà MobiFone có khả năng cung cấp trong tương lai. MobiFone sẽ hỗ trợ, tham vấn xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình, kế hoạch để thực hiện chiến lược chuyển đổi số của Vietnam Airlines.

Đến tháng 6 vừa qua, nhà mạng này đã cùng Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác. Theo đó, MobiFone sẽ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ về hạ tầng số, giải pháp số, dịch vụ số… với những công nghệ tiên tiến, hướng tới xây dựng doanh nghiệp 4.0, đặt trọng tâm vào 3 lĩnh vực chính: Hạ tầng số, Giải pháp số và Dịch vụ số. MobiFone cung cấp hệ thống giải pháp Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, hướng tới chuyển đổi số trong lĩnh vực đường sắt giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, quản trị vận hành, khai thác dữ liệu khách hàng...

Hành trình ấn tượng của một thương hiệu viễn thông hàng đầu Việt Nam - Ảnh 7.

Triển khai thử nghiệm thành công mạng 5G từ 2019

Ảnh: MobiFone

Khát vọng MobiFone trong thời đại mới

Đại diện MobiFone cho biết: Những thành tựu của ngày hôm nay mà MobiFone có được đều là kết quả của sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm, sáng tạo và đổi mới của tập thể con người MobiFone trong suốt 30 năm qua. Với "bản lĩnh MobiFone" được tôi luyện và "ý chí cùng khát vọng MobiFone" trong thời đại mới, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục đem đến nhiều hơn những sản phẩm, dịch vụ mới, giá trị mới cho khách hàng. Đồng thời, thực hiện thành công sứ mệnh tạo hạ tầng số, nền tảng số cho chuyển đổi số quốc gia. Qua đó góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Từ năm 2022, MobiFone đã bám sát chiến lược phát triển hướng đến năm 2030 với 3 trụ cột: Hạ tầng số, Giải pháp số/Nền tảng số và Dịch vụ nội dung số. Cụ thể, triển khai công tác phát triển thuê bao song song với việc tăng cường rà soát, quản lý, chuẩn hóa thông tin thuê bao theo quy định của Nhà nước và xác định đây là công việc thường xuyên, cần thiết để xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, đầy đủ cho việc triển khai các dịch vụ mới. Tập trung đẩy mạnh kinh doanh data để bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu các dịch vụ viễn thông di động, doanh thu data năm 2022 dự kiến ước đạt mức tăng trưởng gần 27% so với thực hiện năm 2021. Trong năm 2022, MobiFone cũng đã đẩy mạnh định hướng "Make in MobiFone" và sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu tăng trưởng trên 60% so với năm 2021. Đặc biệt, MobiFone là một trong 5 đơn vị đầu tiên tại Việt Nam được phép cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, hướng đến mục tiêu doanh nghiệp 4.0.

Song song, MobiFone sẽ tiếp tục thực hiện chiến lược đẩy mạnh kinh doanh trên các lĩnh vực mới như tài chính số, y tế số, giáo dục số… vốn cần nhiều nguồn lực về hệ thống, con người trong giai đoạn đầu triển khai.

Đại diện MobiFone cho biết, dự kiến đến năm 2025, doanh nghiệp sẽ phát triển hạ tầng số trong nhóm dẫn đầu, làm chủ công nghệ lõi. Đồng thời cải thiện nhanh trong việc phát triển khách hàng mới, giữ chân khách hàng hiện hữu và tạo nhiều nguồn thu mới, tăng trưởng mạnh mẽ doanh thu dịch vụ số. "Mục tiêu của MobiFone trở thành doanh nghiệp thuộc nhóm hạt nhân thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, đi đầu trong việc đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp khác trong phát triển hạ tầng số và chuyển đổi số. Công ty sẽ thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, nền tảng cho kinh tế số, xã hội số gắn với đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, sản xuất thiết bị phục vụ hệ thống 5G. Trên cơ sở đó hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp khác. Chúng tôi cũng luôn hướng đến việc đi đầu thực hiện các chiến lược quốc gia, chiến lược ngành thông tin và truyền thông", đại diện MobiFone chia sẻ thêm.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.