Mới đây, tại buổi kỷ niệm thành lập cơ sở, tôi hỏi những người sáng lập thì biết tên gọi Thảo Đàn được ghép từ 2 địa danh “Thảo Cầm Viên” và “Tao Đàn” (TP.HCM) - những điểm sinh hoạt đầu tiên của một nhóm thanh niên tình nguyện để tổ chức các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ trẻ em đường phố đầu những năm 1990.
Thời điểm này, tại TP.HCM có rất đông trẻ em đường phố, nhất là trẻ đi đánh giày, đi bán vé số, trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS... với số lượng có khi lên tới hàng vạn. Thế nên, sự ra đời của Thảo Đàn cùng nhiều cơ sở, mái ấm bảo trợ bấy giờ đã tiếp cận, giúp đỡ các em, xoa dịu những nỗi đau mà các em phải chịu. Và hành trình ấy đến nay cũng đã 30 năm...
TP.HCM vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt |
LÊ TRỌNG |
Báo cáo “Phân tích tình hình trẻ em TP.HCM” do UNICEF phối hợp UBND TP.HCM thực hiện năm 2017 có thống kê giai đoạn 2009 - 2014, số lượng trẻ em đường phố tại TP.HCM giảm từ 484 em xuống 8 trẻ. Luật Trẻ em năm 2016 cũng không đề cập đến cụm từ này; thay vào đó, người ta thường nhắc tới trẻ em lang thang, không nơi nương tựa... Dù ở tên gọi nào, số lượng trẻ lang thang đã được kéo giảm đáng kể.
Nghiễm nhiên công lao duy nhất không phải từ phía những người làm công tác xã hội mà còn vì các chính sách, cơ chế. Tuy nhiên, họ, trong đó có thế hệ nhân viên xã hội ở cơ sở Thảo Đàn, đã luôn phấn đấu thầm lặng vì lợi ích tốt nhất cho trẻ.
Tại TP.HCM có khoảng 1,9 triệu trẻ em, trong đó có 27.880 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đang sống tại cộng đồng. Vì vậy, vẫn cần rất nhiều sự đóng góp, chung tay của các tổ chức xã hội. Ở đó, phải kể đến tấm lòng, sự nỗ lực bền bỉ, bằng cái tâm của nhân viên xã hội cùng TP xây dựng môi trường tốt để mọi trẻ em phát triển.
Bình luận (0)