Cách đây nhiều năm, trong khi các giải đấu eSports (Thể thao điện tử) đã được tổ chức rộng rãi trên thế giới, "eSports" vẫn là một khái niệm mơ hồ tại Việt Nam, thậm chí còn bị đánh đồng với những trò chơi không lành mạnh.
Các đội tuyển eSports Việt Nam đã nỗ lực tham gia nhiều giải đấu quốc tế và bước đầu để lại dấu ấn tại chung kết thế giới PUBG - PGI 2018 tại Đức, vô địch thế giới bộ môn Liên Quân Mobile tại AWC 2019,... Dẫu vậy, eSport vẫn lạ lẫm và hiếm người biết đến. Mãi cho đến SEA Games 30 năm 2019, lần đầu tiên Thể thao điện tử được đưa vào thi đấu giành huy chương tính thành tích như các môn thể thao truyền thống, bộ môn này mới chính thức được công nhận.
Từ bước ngoặt lịch sử ở SEA Games 30, eSports tiếp tục được ủng hộ và đưa vào thi đấu tại SEA Games 31 (năm 2022) gồm 8 bộ môn với 10 nội dung thi đấu. Trên chính "sân nhà", eSports đã giành chiến thắng vang dội, đem về cho đoàn Thể thao Việt Nam 4 Huy chương vàng, 3 Huy chương bạc, đứng nhất toàn đại hội. 2022 là một năm thăng hoa của Thế thao điện tử Việt Nam, khẳng định được vị thế trong khu vực và từng bước vươn tầm thế giới.
Cũng trong năm 2022, các đội tuyển của Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích đáng nể khác: Giành ngôi vô địch Liên Quân Mobile thế giới tại Arena of Valor International Championship 2022 (AIC), Huy chương vàng PUBG Mobile ở Global Esports Games (GEG) 2022, vô địch FIFA Online 4 tại giải đấu FIFAe Continental Cup 2022, vào vòng Bán kết giải đấu tranh ngôi vô địch thế giới đầu tiên của LMHT: Tốc Chiến...
Năm 2023, 83 vận động viên được phong cấp Vận động viên kiện tướng thể thao điện tử nhờ thành tích xuất sắc tại các kỳ đại hội thể thao và giải đấu quốc tế, mong muốn xã hội có cái nhìn tích cực hơn về một ngành nghề thể thao mới lành mạnh.
Đáng nói, không chỉ trở thành bộ môn thể thao chuyên nghiệp liên tiếp nằm trong danh sách tranh tài tại SEA Games, mà tới đây eSports còn là bộ môn thi đấu chính thức tranh huy chương tại ASIAD (Đại hội Thể thao châu Á). Đây là dấu mốc lịch sử tiếp theo giúp eSports Việt Nam tỏa sáng hơn trên bản đồ Thể thao điện tử thế giới.
Ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc Phát hành Trò chơi Trực tuyến của VNG cho hay: "Thể thao điện tử hiện có thể coi là bộ môn thể thao phổ biến hàng đầu thế giới, chỉ sau bóng đá. Thậm chí các tổ chức bóng đá truyền thống như FIFA còn đang phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất game để đưa ra thị trường các trò chơi trực tuyến liên quan đến bóng đá và có kế hoạch tổ chức WorldCup cho trò chơi này".
Theo Newzoo, công ty hàng đầu về nghiên cứu và phân tích dữ liệu thị trường game toàn cầu, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSports năm 2022 là 532 triệu người và có tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025); doanh thu eSports thế giới năm 2022 là 1,3 tỷ USD. Như vậy, đây không chỉ là bộ môn thể thao mà còn là nền công nghiệp tạo ra doanh thu tỉ đô cho nhiều quốc gia trên thế giới. Khai thác những tiềm năng to lớn từ hệ sinh thái eSports sẽ tạo ra nguồn thu đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam.
Đến với SEA Games 32, tuyển eSports Việt Nam tham dự với 44 vận động viên, đông thứ 2 trong số các số các đoàn vận động viên Việt Nam dự Đại hội. Tuyển eSports Việt Nam sẽ tham gia thi đấu 5 bộ môn với 7 nội dung, kỳ vọng sẽ mang Huy chương vàng về cho Việt Nam tại kỳ SEA Games này.
Bình luận (0)