Hết bị quản thúc ở Lai Châu và Sơn Tây, luật sư Nguyễn Hữu Thọ về lại Sài Gòn cuối năm 1952 vẫn tiếp tục những hoạt động yêu nước - ký tên vào bản Tuyên ngôn hòa bình của trí thức Sài Gòn - Chợ Lớn kêu gọi Pháp rút quân về nước. Không lâu sau, do tham gia thành lập phong trào Bảo vệ hòa bình đòi chính phủ Pháp và chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Genève, đòi thả tù chính trị, thực hiện quyền tự do dân chủ, nên ông bị bắt giam vào nhà lao Gia Định cùng 28 thành viên của phong trào tháng 11.1954. Sang đầu năm sau (1955), Ngô Đình Diệm ký nghị định cưỡng bách ông lưu trú ở miền Bắc, đưa ông lên máy bay ra Hải Phòng ngụ tại địa điểm chỉ định là biệt thự Ngàn Hoa, số 13 đường Lạch Tray.
Hơn hai tháng sau, lại bị cưỡng bách cư trú ở miền Trung, tại Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên (4.1955). Đến giữa năm 1960, Tỉnh ủy Phú Yên và Liên khu ủy Khu V nhận được chỉ thị của Trung ương lên kế hoạch giải thoát ông khỏi nơi cư trú. Kế hoạch phải thực hiện đến lần thứ ba mới thành công và đưa ông đến căn cứ ở Mã Đà với bí danh Ba Nghĩa và Hai Thủy vào đầu năm 1962. Ngày 16.2 năm ấy, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã bầu luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Ngày 6.6.1969, ông được Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam cử giữ chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
|
|
Sau năm 1975, ông là đại biểu Quốc hội khóa 6 và được bầu làm Phó chủ tịch nước (1976), quyền Chủ tịch nước (1980), Chủ tịch Quốc hội kiêm Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1981), Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN (1989). Ông cũng làm Chủ tịch Ủy ban Quốc tế những người tàn tật Việt Nam.
Người đã sống gần gũi với ông ở chiến khu vào thời kháng chiến cam go cũng như những năm ra Hà Nội sau giải phóng, cho đến lúc ông mất tại TP.HCM, là thượng tá cận vệ Nguyễn Văn Út đã kể:
“Bác cùng ăn, cùng ở với chúng tôi trong một đại gia đình, không hề có sự cách biệt. Ngoài giờ làm việc, bác cùng lao động (trồng rau, sửa sang lán trại, tải gạo, chơi thể thao, chơi cờ… với chúng tôi. Sau ngày giải phóng, bác ra thủ đô Hà Nội; nếp sống của bác vẫn giản dị, thanh đạm như những ngày còn ở chiến khu. Những món ăn mà Bác Ba ưa thích đều là những món ăn “bình dân”…: cá kho tộ, canh chua cá lóc, mắm thái, mắm tôm chua... (…) Bác sống xa gia đình, nên bác xem cơ quan là nhà, anh em trong cơ quan là người thân… Sau mỗi lần đi công tác ở nước ngoài về, bác đều giao nộp cho nhà nước những món quà có giá trị lớn mà lãnh tụ các nước tặng riêng cho bác, bác chỉ giữ lại những món quà nhỏ mang tính chất lưu niệm mà thôi. Bác thường can thiệp để giúp đỡ những người dân bị oan ức. Họ thường biếu quà để bày tỏ lòng biết ơn đối với bác, nhưng bác kiên quyết không nhận và nói: “Từ 1939 đến 1954, trong khi hành nghề luật sư dưới chế độ cũ, tôi thường cãi giúp cho những người nghèo bị ức hiếp mà không bao giờ lấy tiền thù lao của họ… Bây giờ, nước nhà đã được độc lập, dân mình đã được tự do, bênh vực cho công lý, cho lẽ phải, không chỉ vì tình cảm của tôi đối với đồng bào mà còn là trách nhiệm của tôi nữa. Có gì mà phải nói tới ơn huệ? (Nguyễn Hữu Châu, sđd. tr.288).
Nếp sống giản dị của ông cũng được người thư ký sống lâu năm nhất cạnh ông kể thêm: “Biệt thự 82 Nguyễn Du (Hà Nội), nơi ở của Chủ tịch, bên ngoài trông khá đẹp, nhưng vào trong gần như chẳng có gì đáng chú ý. Chủ tịch ở tầng ba, ngủ và làm việc trong một căn phòng đủ kê một giường, một bàn viết, một tủ quần áo bằng gỗ thường. Bên ngoài có hai phòng bố trí tủ sách và kệ báo chí, cái nào cũng đầy ắp. Khi có khách đến thăm và làm việc, Chủ tịch mới xuống tầng hai, tiếp tại sa lông, trong phòng bàn ghế cũng không có gì sang trọng. Bên cạnh có phòng ăn với chiếc bàn dài và vài ghế gỗ đơn giản, một tủ ly với mấy loại cốc, chén không đồng bộ. Mùa hè dùng quạt trần kiểu cũ, mùa đông có chiếc lò sưởi điện nội hóa, đốt nóng bằng dây mai so mà anh quản gia tự quấn lấy. Chủ tịch bảo tôi: “Thứ gì còn dùng được thì không cần thay cái mới, tốn tiền nhà nước” (Sđd tr.289-290).
Ông mất tại TP.HCM lúc 20 giờ 40 ngày 24.12.1996. Đảng, Chính phủ và Quốc hội ra thông báo đặc biệt tổ chức quốc tang trong hai ngày 29 và 30.12.1996, linh cữu quàn tại Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập). Thủ tướng Võ Văn Kiệt đứng đầu Ban lễ tang đã xúc động đọc điếu văn kết luận: “Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là một trí thức yêu nước, một nhà hoạt động chính trị và xã hội mà tiếng tăm vượt khỏi ranh giới quốc gia, là một luật sư tài năng, một ngọn cờ tập hợp quần chúng đầy uy tín, một người Việt Nam trung hiếu, một nhân cách khả kính...”.
“Anh Thọ và tôi quen biết nhau thuở còn du học bên Pháp vào những năm tuổi 20… Ngày 27.3.1950, nhà cầm quyền Pháp đưa hai anh Thọ và Khương ra tòa với tội danh “bạo động có mục đích xúi giục nổi loạn”. Tôi cùng hai anh Hổ (luật sư Lê Văn Hổ) và Dzu (luật sư Trương Đình Dzu) nhận cãi cho các anh. Sau ngày miền Nam giải phóng, giữa lúc lòng tôi ngổn ngang trăm mối, thì anh Thọ tìm đến tôi với tư cách một người bạn cố tri chung thủy. Hơn 40 năm trôi qua, nhưng anh vẫn chưa quên những lời tôi bào chữa cho anh. Tôi cũng nhắc lại câu anh Thọ tuyên bố trước tòa: “Tôi đứng ra tranh đấu đòi quyền công dân của một nước độc lập”… Tôi nói: “Tôi chịu anh. Anh đã đi đến tận cùng. Còn tôi, tôi kém anh rất nhiều”. Đề cập đến việc tôi không “di tản”, anh Thọ nói: “Anh là một trí thức yêu nước. Lúc nào tôi cũng nghĩ, anh không thể bỏ Tổ quốc mình”. Tháng 8.1994, trước thềm Đại hội lần thứ tư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, anh viết thư mời tôi tham gia Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư. Tôi sẵn sàng nhận lời vì tôi tin rằng những người cách mạng chân chính luôn là những người bao dung và chung thủy. Như anh Thọ, người bạn già của tôi”. Luật sư Nguyễn Văn Huyền |
Giao Hưởng
>> Hành trình của nhà yêu nước - Cuộc đời bàng bạc màu huyền thoại
>> Hành trình của nhà yêu nước - Luật sư của nhân dân
Bình luận (0)