Hành trình của nhà yêu nước - Cuộc đời bàng bạc màu huyền thoại

28/12/2012 03:25 GMT+7

“Quả cuộc đời của luật sư Nguyễn Hữu Thọ bàng bạc màu huyền thoại. Anh đi vào cách mạng và trở thành lãnh tụ một trong những phong trào yêu nước vĩ đại ở miền Nam không qua kênh thành phần giai cấp, truyền thống gia đình mà bằng sự giác ngộ dân tộc - điểm hội tụ của tấm lòng và tri thức…”.

Nhận định trên được các nhà nghiên cứu nêu trong ngày vĩnh biệt ông và được in lại qua tập bút ký Luật sư Nguyễn Hữu Thọ - hành trình yêu nước của Nguyễn Hữu Châu. Là một trí thức Tây học, ông sang Pháp lúc 11 tuổi, học ở Trường trung học Mignet đến Đại học Aix-en-Provence trong 11 năm, bắt đầu từ năm 1921. Khoảng 70 năm sau, anh Nguyễn Hữu Châu có dịp sang Pháp và đã “may mắn gặp bác Jean Duchêne, bạn học của cha tôi, bấy giờ đã ngoài 80 tuổi. Vào một ngày tháng 6, tôi từ Paris đi xe lửa đến nhà ga Aix-en-Provence. Thật cảm động khi thấy bác chống gậy ra đón tôi. Hôm sau, ông đưa tôi đến Lycée Mignet - nơi cha tôi học cách đây hơn 70 năm. Biết tôi là con của học trò cũ Nguyễn Hữu Thọ, bà hiệu trưởng tiếp đón tôi hết sức niềm nở. Rồi bà sang phòng kế bên và mang cho tôi bản sao những cuốn sổ trên đó có ghi những chữ “Lễ phát thưởng cho học sinh giỏi năm 1924 đến 1929”, sổ nào cũng có tên cha tôi “THO NGUYEN” với các môn ngoại ngữ, khoa học tự nhiên, toán, lý, hóa…”.

Hành trình của nhà yêu nước - Cuộc đời bàng bạc màu huyền thoại
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ và con gái đầu lòng - Ảnh: Tư liệu

Anh Châu kể tiếp, sau đó ông Duchêne lại đưa anh sang Đại học Luật khoa và Văn khoa Aix-en-Provence xem hồ sơ học tập của cha anh, trong đó ghi: “Sinh viên NGUYEN HUU THO, tốt nghiệp Cử nhân luật khoa ngày 5.11.1932”. Ông Duchêne hồi tưởng và chân tình nói với anh Châu: “Cha cháu học giỏi hơn bác nhiều, cha cháu hiền lành cởi mở và chân tình, đối xử với bạn bè rất tốt nên được nhiều người yêu  mến. Cha cháu và bác rất thân nhau, đi học cũng chung, mà đi chơi cũng đi chung”.

 

“Đầu năm 1962, chúng tôi: Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (đại biểu đạo Cao Đài phái Tiên Thiên), Giáo sư Chủng viện Joseph - Marie Hồ Huệ Bá (đại biểu đạo Thiên Chúa) và tôi (đại biểu đạo Phật) về chiến khu Dương Minh Châu để dự Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Bước vào nhà, chúng tôi thấy luật sư đang nói chuyện với một số khách khá đông. Khi nghe ban tiếp tân giới thiệu chúng tôi là đại biểu tôn giáo, luật sư Nguyễn Hữu Thọ bước ra, ôm chầm chúng tôi, mừng rỡ như anh em trong một gia đình lâu ngày mới gặp nhau. Cử chỉ thân mật một cách tự nhiên của luật sư khiến chúng tôi rất cảm động…

Hòa thượng Thích Thiện Hào
Nguyên ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam

Về chuyện đời riêng của cha mình, anh Châu viết: “Một hôm, cha tôi đến Trường Áo Tím (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) ở Sài Gòn để gặp một người bạn dạy học tại đây. Cha tôi đến đúng vào giờ ra chơi. Trên sân trường, giữa lúc các nữ sinh nói chuyện vui vẻ, có một nữ sinh trông vẻ hiền hậu, đoan trang, đang chăm chú đọc sách ở hành lang. Cha tôi bắt đầu làm quen. Đó là cô Dương Thị Chung, sinh năm 1922, con gái của Đốc phủ sứ Dương Văn Hòa và bà Lâm Thị Phụng ở Sa Đéc. Và qua nhiều lần gặp gỡ, giữa hai người tình yêu đã nảy nở. Năm 1940, lễ kết hôn được tổ chức. Sau đó cha tôi đưa mẹ tôi xuống tỉnh lỵ Vĩnh Long sinh sống và mở văn phòng luật sư. Năm 1941, đứa con đầu lòng tên Nguyễn Phương Trân ra đời. Gần hai năm sau, đứa con trai tên Nguyễn Hữu Châu chào đời. Hai chị em được sinh ra tại các nhà bảo sanh tư ở Sài Gòn. Đây cũng là khoảng thời gian ít ỏi trong cuộc đời cha tôi được sống yên lành, hạnh phúc bên cạnh vợ con. Liệu cái hạnh phúc ấy có giữ được chân cha tôi, một trí thức trẻ? Bà con ai cũng nghĩ rằng cùng với hạnh phúc trong hôn nhân và gia đình, sự nghiệp của luật sư sẽ nhanh chóng thăng tiến và danh vọng đang chờ. Vì được đào tạo ở Pháp từ nhỏ, cha tôi có đầy đủ điều kiện để được chính quyền thuộc địa ưu đãi”. Nhưng điều ấy đã không xảy ra, bởi ông không chịu khép mình vào vị trí thuận lợi trên mà bước ra diễn đàn công khai lên tiếng đòi Pháp trả tự do cho 22 nhà trí thức Việt Nam yêu nước sắp bị đưa ra xét xử tại tòa án binh.

Quyết liệt hơn, ông đã thay mặt đại biểu các giới để ký tên vào bản tuyên bố phản kháng vụ án trên với danh nghĩa “Trưởng phái đoàn luật sư: Nguyễn Hữu Thọ”. Bản tuyên bố có đoạn: “Nhận thấy những nhà trí thức nói trên trong thực tế đã đeo đuổi lý tưởng chung của mỗi công dân Việt Nam là yêu nước và muốn cho nước được độc lập thật sự và hoàn toàn, hành động ấy không phải là một tội trạng theo quan niệm chung của các giới đồng bào (…). Phái đoàn đại biểu các giới cực lực phản kháng vụ án các nhà trí thức và tất cả các vụ án tương tự như trên, vì cho rằng đó là một sự thách thức đối với tinh thần dân tộc Việt Nam mà ai cũng kính nể”. Một ngày trước phiên xử, ông công khai bộc lộ quan điểm của mình qua cuộc trả lời phỏng vấn trên mặt báo Thần Chung vào ngày 14.3.1950 như sau: “Người ta bảo rằng những nhà ái quốc Việt Nam “hành động có hại cho an ninh quốc gia”. Quốc gia nào? Quốc gia Pháp ư? Chúng ta đang sống trên lãnh thổ của chúng ta chứ đâu phải sống trên lãnh thổ của Pháp. Quốc gia Việt Nam ư? Giải phóng quốc gia đâu có nghĩa là xâm phạm an ninh của quốc gia”.

Những lời tuyên bố nảy lửa như thế dĩ nhiên đã khiến Pháp không những “khó chịu” vì phải lùi bước, đình lại không xử vụ án trên, mà còn tìm cách ghép ông vào tội “có nhiều hành động lật đổ” để bắt giam vào tối 19.3.1950 và đưa ra xét xử tại Tòa án Sài Gòn. Các luật sư Trương Đình Dzu, Lê Văn Hổ, Nguyễn Văn Huyền đứng ra bào chữa để ông tại ngoại hầu tra. Nhưng sau đó ông bị bắt và đưa ra xử lần thứ hai… Thủ tướng lúc bấy giờ là Trần Văn Hữu đã ký nghị định cưỡng bức ông phải cư trú ở miền Bắc nên ông bị đưa ra Hà Nội giam giữ vào cuối tháng 6.1950, rồi được chuyển bằng máy bay từ Nha Cảnh sát Công an Bắc Việt đến Sơn La, xuống ô tô về thị xã Lai Châu, đến xã Mường Tè cách Lai Châu khoảng 100 km, để cuối cùng về nơi quản thúc heo hút tại bản Giẳng…  (còn tiếp).

Giao Hưởng

 

 

>> Hành trình của nhà yêu nước - Luật sư của nhân dân
>> Gặp họa sĩ Pháp yêu nước Việt
>> Phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước”
>> Yêu nước qua nhạc, qua thơ

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.