Hành trình 'đại chúng hóa' những nghiên cứu về chữ quốc ngữ

Tuấn Duy
Tuấn Duy
29/07/2024 07:00 GMT+7

TS Phạm Thị Kiều Ly cho biết đã trải qua "muôn vàn cảm xúc" trong suốt nhiều năm để viết nên công trình được đánh giá là đầy đủ và bao quát nhất đến nay về lịch sử chữ quốc ngữ cũng như những "biến thể" của nó.

Liên tiếp trong 2 ngày 27 - 28.7 tại Hà Nội và TP.HCM đã diễn ra các buổi tọa đàm và ra mắt sách Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) do Công ty sách Omega+ và NXB Kim Đồng tổ chức. Tại đây các diễn giả điểm lại những dấu mốc quan trọng trong lịch sử hình thành, phát triển và biến đổi của chữ quốc ngữ, cũng như những đóng góp quan trọng của TS Phạm Thị Kiều Ly với đề tài nghiên cứu này.

Muôn vàn xúc cảm

Theo TS Trần Quốc Anh (ĐH Santa Clara, Mỹ), một thế kỷ qua đã có nhiều công trình nghiên cứu về chữ quốc ngữ. Tính đến nay, đề tài này đã trải qua 4 thế hệ, bắt đầu từ "Cố cả" Léopold Cadière - người chú ý đến ngôn ngữ, văn hóa VN, cho đến những năm 1950, 1960 với thế hệ những du học sinh VN có điều kiện tiếp cận các kho lưu trữ ở Roma như Thanh Lãng, Nguyễn Khắc Xuyên… Thế hệ thứ 3 ghi dấu công trình quan trọng của Đỗ Quang Chính lấy mốc thời gian từ 1620 - 1659 và được coi như người đầu tiên công bố các tư liệu gốc quý giá. TS Phạm Thị Kiều Ly là thế hệ thứ 4 đã góp phần hoàn thiện những thiếu sót còn tồn tại và kéo dài khoảng thời gian nghiên cứu, từ 1615 - 1919.

Hành trình 'đại chúng hóa' những nghiên cứu về chữ quốc ngữ- Ảnh 1.

Bộ 3 tác phẩm dành cho nhiều đối tượng về lịch sử chữ quốc ngữ của TS Phạm Thị Kiều Ly

T.D

Chia sẻ về hành trình của mình, TS Kiều Ly cho biết ý tưởng về đề tài này bắt đầu từ năm 2012 khi chị có cơ hội "gia nhập" nhóm sinh hoạt tri thức của cố nhà giáo Phạm Toàn. Chị chia sẻ lúc đó thuần túy do sự tò mò không biết ai là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ; tiếp đó, sự ủng hộ của cố nhà giáo Phạm Toàn cũng trùng với thời điểm chị xin được học bổng nghiên cứu về ngôn ngữ ở Pháp, giúp hành trình này được bắt đầu. Tìm hiểu tư liệu từ năm 2014, đến năm 2018 chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Kể từ đó chị không ngừng bổ sung thêm tư liệu để cho ra mắt các tác phẩm.

Chia sẻ cảm xúc khi công trình đã hình thành nên 4 cuốn sách ở nhiều thể loại, dành cho đa dạng đối tượng ở cả tiếng Pháp cũng như tiếng Việt, TS Kiều Ly cho biết chị vô cùng xúc động. Hành trình tìm kiếm tư liệu, với chị như một "tàu lượn cảm xúc" từ vui, buồn cho đến cảm động muốn rơi nước mắt. Khi được hỏi chị nhận thấy điều gì ấn tượng nhất trong hành trình này, tác giả cho biết đó là sự chỉn chu và chuyên nghiệp của các phông lưu trữ tại châu Âu, bởi quy trình thường rất đơn giản, chỉ gồm thư giới thiệu của các giáo sư khoảng 2, 3 tháng trước khi đến đó, cũng như các kho đã được số hóa hiện đại của dòng Tên tại Roma, Lisbon, Paris.

Chị bật mí bản thân cũng có rất nhiều nỗi niềm khi là người đầu tiên chạm vào nhiều văn bản viết bằng chữ quốc ngữ được đựng trong hơn 40 thùng carton tại Lưu trữ của dòng Đa Minh ở Ávila (Bồ Đào Nha). Trong đó có hơn 40 cuốn sách kể về trải nghiệm của Thầy Cả Philipphê Bỉnh - người đã sang Bồ Đào Nha yết kiến nhà vua khi dòng Tên bị đóng cửa và vĩnh viễn không thể về nước. Trong 30 năm đó, ông cùng các cha khác đã viết rất nhiều tài liệu về nhiều đề tài khác nhau do không có gì để làm, và khi đọc được dòng chữ: "Câu chuyện của các cha khác tôi đã viết rồi, vậy ai sẽ kể câu chuyện của bản thân tôi?", TS Kiều Ly không khỏi bồi hồi, xót xa.

Rời khỏi tháp ngà

Trong lần ra mắt này, bên cạnh tác phẩm Lịch sử chữ quốc ngữ (1615 - 1919) được phát triển từ luận án tiến sĩ bảo vệ năm 2018, TS Kiều Ly cũng giới thiệu thêm 100 câu hỏi về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho độc giả đại chúng. Chị chia sẻ tác phẩm được thực hiện trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra, khi chị đang trong quá trình sửa chữa bản thảo luận án thành cuốn sách tiếng Pháp Histoire de l'écriture romanisée du vietnamien (1615 - 1919) do NXB Les Indes Savant ấn hành. Khi đó chị đã đặt bản thân vào vị trí độc giả và những câu hỏi mà họ nhiều khả năng sẽ tự hỏi mình để hoàn thành nên cuốn sách.

Hành trình 'đại chúng hóa' những nghiên cứu về chữ quốc ngữ- Ảnh 2.

TS Kiều Ly (giữa) chia sẻ về nhiều trải nghiệm với các cung bậc cảm xúc khác nhau trong quá trình thực hiện tác phẩm

Omega+

Trước 2 tác phẩm nói trên, vào năm 2023, TS Kiều Ly cũng hợp tác với họa sĩ Tạ Huy Long để cho ra mắt Hành trình sáng tạo chữ quốc ngữ qua nhiều lời kể của các cha xứ về quá trình sáng tạo chữ quốc ngữ dành cho thiếu nhi. Tác phẩm rất được yêu thích khi tính đến nay đã phát hành hơn 7.000 ấn phẩm. TS Kiều Ly chia sẻ ban đầu chị rất nghi ngại với ý tưởng này, nhưng khi được NXB Kim Đồng gợi ý, chị đã thử và phải mất từ 7 - 8 lần viết thì tác phẩm mới hoàn thiện như hiện nay. Cũng kể từ đó chị bị cuốn hút vào việc làm sách dành cho trẻ em, và bày tỏ niềm hạnh phúc, xúc động khi được mang tri thức đến gần hơn nữa với đa dạng đối tượng, từ giới nghiên cứu, độc giả phổ thông cho đến thiếu nhi.

Trong buổi trò chuyện tại Đường sách TP.HCM (28.7), TS Kiều Ly chia sẻ việc trở thành một nhà nghiên cứu trong "tháp ngà" khoa học là một công việc có phần cô độc khi rất khó để giao tiếp, trao đổi tâm tư với những người xung quanh. Nhưng chính nhờ việc mang các tác phẩm của mình đến đông đảo độc giả mà chị cảm thấy bản thân được chia sẻ và tiếp cận với rất nhiều đối tượng. Với chị, phổ biến tri thức đến với đại chúng vẫn là mục tiêu hàng đầu thay vì chạy theo các giải thưởng Tây phương tốn kém và không có đóng góp gì cho nước nhà.

Nói về công trình của mình, chị chỉ khiêm tốn gọi đó là "viên gạch nhỏ" trên "bức tường thành" nghiên cứu về chữ quốc ngữ, nhưng có thể tin từ đây nhiều công trình khác sẽ tiếp tục kết nối, từ đó tạo nên bức tranh toàn cảnh về thứ chữ viết mà người Việt ta vẫn dùng hằng ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.