Hành trình đưa mật hoa dừa và bún bò Huế ra thế giới

03/02/2022 06:00 GMT+7

Hành trình đưa mật hoa dừa và bún bò Huế ra thế giới là câu chuyện của những người trẻ không bao giờ chấp nhận ngồi chờ thời, chờ dịch đi qua. Họ luôn linh động thích ứng và tìm hướng đi bứt phá cho doanh nghiệp của mình.

Vợ chồng anh Ngãi

NVCC

Mật hoa dừa “tỏa hương” ở Nhật và Hà Lan

Phạm Đình Ngãi (32 tuổi), chủ nhân của thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm, đặt ra cho bản thân để đưa doanh nghiệp vượt “bão Covid”

Ngay giữa làn sóng của đại dịch (cuối tháng 8.2021), anh Ngãi xuất khẩu lô hàng chính ngạch đầu tiên sang Nhật, tháng 9 xuất tiếp lô thứ 2 đi Hà Lan.

Năm 2018, khi chứng kiến tình trạng dừa Trà Vinh rớt giá trầm trọng, vợ chồng trẻ trăn trở và mong muốn về quê tìm hướng đi mới cho cây dừa. Khi tìm hiểu, thấy ở các nước, ngoài thu hoạch trái dừa thì còn lấy mật hoa, nhưng tại Việt Nam lại chưa thấy ai làm. Thế là vợ chồng anh Ngãi về quê và phát triển thương hiệu mật hoa dừa Sokfarm.

“Thời gian đầu hoàn toàn thất bại, cứ mỗi ngày làm và phấn đấu hơn thì sau 6 tháng tụi mình thu được mật hoa dừa. Tháng 9.2019 sản phẩm bắt đầu ra thị trường, nhưng 3 tháng sau dịch bắt đầu bùng phát tại VN”, anh Ngãi nhớ lại.

Nhưng đỉnh điểm khó khăn nhất là đợt dịch năm nay, khi toàn bộ thị trường ở các tỉnh miền Tây, Đông Nam Bộ đều “đóng băng”. Xưởng ở Trà Vinh nhưng khách hàng chủ yếu ở TP.HCM và Hà Nội nên việc giao hàng rất khó khăn, có nhiều đơn phải hủy luôn vì trong vùng dịch không giao được, dẫn đến doanh số bị ảnh hưởng rất nhiều. Ngay lập tức, anh Ngãi quyết tâm đưa hàng đi xuất khẩu.

“Không thể nào ngồi chờ được, chờ biết bao giờ mới mở cửa vì thị trường của mình đang bị giảm doanh số rất nhiều, buộc mình phải linh động tìm thị trường mới. Đó là lý do tại sao mình cố gắng, quyết tâm bàn với đối tác chốt được đơn hàng đưa đi xuất khẩu để bù lại phần doanh số bị ảnh hưởng”, anh Ngãi kể.

Nhưng xuất khẩu được trong đại dịch là điều không hề đơn giản, anh Ngãi cho biết lúc đấy các chuỗi cung ứng đều bị đứt gãy, mật hoa dừa thu hoạch tại Trà Vinh nhưng chai lọ và tem nhãn hầu hết đều ở TP.HCM, việc mua được chai lọ để đóng hàng đi xuất khẩu vô cùng khó khăn, rồi giá nguyên vật liệu cũng tăng nếu không kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

“Để xuất được đơn hàng trong dịch đã khó khăn mà để qua được thị trường Nhật Bản cũng không hề đơn giản. Họ đòi hỏi mình phải kiểm định 324 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật, nếu đạt hết thì người ta mới bắt đầu chấp nhận đàm phán. Và phải kiểm ở trung tâm mà họ chỉ định, may mắn sản phẩm đạt được hết các chỉ tiêu đó”, anh Ngãi bày tỏ.

Cô chủ trẻ Kim Hằng nỗ lực đưa YesHue chinh phục các thị trường khó tính trên thế giới

NVCC

Đưa bún bò huế lên sàn thương mại điện tử amazon, ebay

Cũng là một doanh nghiệp khởi nghiệp nổi trội trong việc xuất khẩu sản phẩm sang các nước, Lê Thị Kim Hằng (28 tuổi), sáng lập thương hiệu YesHue - gia vị bún bò chuẩn Huế, đã kể lại với chúng tôi về hành trình vượt “bão Covid” và đưa doanh số của công ty tăng trưởng hơn 200% so với các năm trước dịch.

Bằng sự linh động của người lãnh đạo trẻ, Hằng đã tiếp cận từng bước triển khai chuyển đổi mô hình kinh doanh số từ sớm nên khi đợt dịch bệnh năm 2021 ở các tỉnh thành lớn lan rộng, hầu hết các siêu thị đóng cửa, dịch vụ vận chuyển xuất khẩu khó khăn thì YesHue đã tập trung triển khai quảng bá và bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, website và fanpage của công ty.

“Với lượng dữ liệu khách hàng có sẵn của các kênh digital YesHue, chúng tôi cũng đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh bằng cách quảng bá bán chéo các sản phẩm mới (các sản phẩm tiện ích thiết yếu nhu cầu mùa dịch) trên lượng khách hàng cũ, tạo các combo sản phẩm bán kèm để tăng doanh thu... từ đó chúng tôi dần gặt hái những thành quả để vượt qua khó khăn mùa dịch”, Hằng kể.

Bên cạnh đó, Hằng tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới về bữa ăn tiện lợi - ứng dụng các công nghệ chế biến thực phẩm tiên tiến để mang lại những sản phẩm tiện nghi hơn đến khách hàng trong mùa dịch.

“Đợt dịch năm 2020, công ty tăng trưởng hơn 200% so với 2 năm đầu. Sản lượng xuất khẩu đạt hơn 60% doanh số. Năm nay, dịch phức tạp hơn, tăng trưởng có giảm hơn năm ngoái nhưng cũng không nhiều. Mặc dù logistic trong nước và cả quốc tế đều bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi cũng cố gắng hết sức tìm mọi cách để sản phẩm đến tay người tiêu dùng”, cô chủ trẻ chia sẻ.

Hằng cho biết chính sự năng động và kiên trì đã giúp công ty vượt qua những khó khăn và tiếp cận được những đối tác ở nước ngoài để bắt đầu hành trình xuất khẩu.

“Là một trong những doanh nghiệp thực phẩm tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế đáp ứng các tiêu chí và được FDA Hoa Kỳ thông qua. YesHue đã xuất khẩu chính ngạch đến các thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hà Lan, Thụy Điển, Pháp, Anh… và bán hàng trên các sàn thương mại điện tử nổi tiếng như Amazon, Ebay…”, Hằng hạnh phúc kể về thành quả sau những nỗ lực và cố gắng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.