Hành trình gian nan sáng tạo nên 'Kubo và sứ mệnh Samurai'

30/08/2016 15:27 GMT+7

Nếu như Coraline , phim hoạt hình đầu tiên mà hãng Laika thực hiện vào năm 2009, lấy bối cảnh Tây Bắc Thái Bình Dương, câu chuyện của ParaNorman diễn ra tại thị trấn nhỏ ở New England thời hiện đại, Boxtrolls gợi nhớ cho người xem về một London vô cùng náo nhiệt thì với Kubo và sứ mệnh Samurai , các nhà sản xuất quyết định lựa chọn nước Nhật cổ đại kỳ vỹ và huyền bí làm phông nền cho câu chuyện trong phim.

Phá vỡ mọi giới hạn
Trong suốt quá trình sản xuất, các nhà làm phim đã thiết kế và làm ra những con rối hết sức cầu kỳ và tỉ mẩn bằng nghệ thuật xếp giấy truyền thống của Nhật Bản Origami để phục vụ cho các cảnh quay bằng công nghệ stop-motion (chụp ảnh các cử động của nhân vật rồi ghép lại tạo thành các chuỗi chuyển động), từ những con rối nhỏ nhất cho tới cả một bộ xương khổng lồ với chiều cao lên tới gần 5 m.
“Mọi mục tiêu đề ra cho bộ phim này đều đầy tham vọng, và quy mô của phim đã từng khiến tôi cảm thấy khá lo lắng”, nhà sản xuất Arianne Sutner thừa nhận. “Tuy vậy, những thử thách đặt ra cũng khiến cho tôi cảm thấy vô cùng phấn khích, ví dụ như việc xử lý những chuyển động của nước, vốn luôn là một trở ngại đối với những bộ phim được sản xuất theo công nghệ stop-motion. Và cả các loài yêu quái, chúng tôi muốn tạo ra những sinh vật trông vừa độc đáo, vừa đáng sợ nhưng không kém phần chân thực và sống động", Arianne Sutner nói.
Nghệ thuật gấp giấy Origami xuất hiện tại Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6 và trở thành một trong những nghệ thuật truyền thống độc đáo của xứ sở hoa Anh Đào. Không giống như người ta thường nghĩ, các quy tắc Origami truyền thống của Nhật Bản lại ít nghiêm ngặt hơn Origami hiện đại: giấy gấp có thể là hình tròn, tam giác, và có thể cắt dán trong quá trình gấp.
Hãng đã cử một số người thợ tham gia vào những khóa học Origami. Một số thành viên của hãng cũng đã tới tham dự buổi triển lãm các sản phẩm Origami được mở cửa tại Bảo tàng Lịch sử Oregon để có những cái nhìn cụ thể hơn về kỹ thuật gấp giấy nhằm góp phần làm ra những con rối thật sống động trên màn ảnh rộng.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất cũng đã nhờ tới sự hỗ trợ của chuyên gia dàn dựng võ thuật Aaron Toney, người đã từng chỉ đạo các phân cảnh hành động mãn nhãn trong các bom tấn đình đám của Marvel như Guardians of the Galaxy, Captain America: Civil WarAvengers: Age of Ultron. Toney đã đưa ra lời khuyên về kiếm thuật, những kỹ thuật bắn cung phức tạp và cả cách dàn dựng các pha đối đầu đầy kịch tính.
Góp phần đưa các cảnh quay của Kubo và sứ mệnh Samurai lên một tầm cao mới chính là công sức của nhóm xử lý kỹ xảo hình ảnh do Steve Emerson phụ trách. Nhóm của Emerson cũng đã phối hợp chặt chẽ với bộ phận quay phim của Passingham để có thể làm ra những hình ảnh độc đáo và ấn tượng theo đúng lịch trình ghi hình đã được dự kiến từ trước: Passingham đã phải giám sát 5 nhóm quay phim khác nhau trong suốt 94 tuần ghi hình, thực hiện 1.345 cảnh quay cho Kubo và sứ mệnh Samurai. Quay phim này cho biết: “Chúng tôi đã phải sử dụng tới 135 máy quay Canon và 267 loại ống kính khác nhau để ghi lại các hình ảnh mà mình mong muốn".
Dù hình ảnh được làm từ nghệ thuật xếp giấy nhưng chúng vẫn đầy cảm xúc và vô cùng chân thật Ảnh: CGV cung cấp
Những con số biết nói
Để biết được sự công phu trong việc thiết kế và tạo hình nên các nhân vật trong bộ phim, hãy cùng điểm qua những con số “khủng” dưới đây:
Gương mặt của nhân vật Kubo có tổng cộng 11.007 cách chuyển động miệng, 4.429 cách chuyện động lông mày và có thể tạo nên hơn 48 triệu sắc thái biểu cảm khác nhau. Nhân vật Khỉ cũng không kém phần “hoành tráng” với 30 triệu biểu cảm, còn nhân vật Bọ có 13 triệu biểu cảm.
Nhân vật Kubo có rất nhiều điệu cười khác nhau, nhiều hơn hẳn so với tất cả các nhân vật chính trong những phim hoạt hình mà Laika từng sản xuất cộng lại. Với bất cứ thay đổi nào trong biểu cảm trên khuôn mặt của Kubo, dù là nhỏ nhất, thì các nhóm thực hiện cũng phải gỡ bớt phần tóc mái của con rối này để các nhà làm phim có thể ghi hình cận cảnh gương mặt. Điều này cũng được áp dụng với mái tóc của nhân vật Mẹ.
Khuôn mặt của tất cả các nhân vật cần phải trải qua một quá trình kéo dài tới 10 bước trước khi có thể sẵn sàng xuất hiện trong một cảnh quay nào đó. Bên cạnh đó, các nhà làm phim cũng cần tới 117 chi tiết riêng biệt phải sử dụng để khắc họa gương mặt của Khỉ khi nhân vật này ngáp. Nhưng con số này lên tới 408 với khuôn mặt của Kubo khi cậu được Bọ chỉ dạy cho kỹ thuật bắn cung.
Để giúp tạo kiểu highlight và làm cho bộ tóc của nhân vật Kubo trở nên sáng hơn, các nhà làm phim đã cài thêm những sợi làm từ chất liệu silicone có phủ bột màu. Với mái tóc của nhân vật Tỉ muội song sinh, họ gắn thêm khoảng 36 dải cao su màu đen nhỏ ở phần chân tóc để giúp phần tóc đuôi gà đó có thể chuyển động uyển chuyển hơn. Mái tóc dài của nhân vật Mẹ được phủ thêm khoảng 300 g bột kim loại. Điều này tạo ra độ nặng cần thiết cho mái tóc và giúp các nhà làm phim có thể ghi lại được những hình ảnh chân thực và sống động hơn. Gần 1m2 lông giả đã được sử dụng để làm ra 19 con rối Khỉ. Phần lông tính từ cổ trở xuống của các con rối này đều được tỉa hoàn toàn bằng tay, và mỗi người thợ làm rối đã phải mất vài ngày để hoàn thành công việc này.
Những con số trên chính là lý do vì sao Laika có thể tự hào cho rằng Kubo và sứ mệnh Samurai là bộ phim công phu và ấn tượng nhất từ trước đến nay của họ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.