Hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Vovinam

29/11/2023 12:00 GMT+7

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập môn phái, ngay trước thềm Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ 7, Vovinam đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vovinam - tinh hoa võ đạo Việt

Vovinam hay còn được gọi là Việt võ đạo là môn võ truyền thống của dân tộc Việt Nam, được sáng lập vào năm 1938 tại Hà Nội bởi cố võ sư Nguyễn Lộc. Môn võ này gồm 2 phần chính là Việt võ đạo (Võ đạo Việt Nam) và Việt võ thuật (Võ thuật Việt Nam).

Trải qua thời gian dài không ngừng nghiên cứu, cải tiến và phát triển, cả lý thuyết và kỹ thuật của môn võ này càng được xây dựng vững chắc, bài bản. Nhưng phải đến năm 2010, sau hơn 70 năm kể từ lần đầu cái tên Vovinam xuất hiện, Hội đồng Võ sư chưởng quản môn phái Vovinam mới ra đời, đánh dấu một bước ngoặt lớn.

Hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Vovinam  - Ảnh 1.

Ở thời điểm hiện tại, không chỉ Việt Nam - cái nôi của Việt võ đạo mà còn có rất nhiều quốc gia phát triển môn võ này. Số lượng võ sinh theo học và người hâm mộ cũng tăng lên từng ngày.

Chuyển mình mạnh mẽ và dần khẳng định mình trên trường quốc tế

Những ngày đầu mới thành lập, Vovinam chỉ là một môn phái nhỏ với vài chục võ sinh. Nhờ giá trị nhân văn tốt đẹp cũng như sự nỗ lực không ngừng nghỉ, môn phái này dần có bước phát triển ấn tượng.

Sau khi mở rộng và có mặt tại nhiều quốc gia trong khu vực, Vovinam còn dần được công nhận bởi bạn bè quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, Vovinam có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ với hàng triệu võ sinh theo học.

Hành trình trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Vovinam  - Ảnh 2.

Những năm gần đây, Vovinam cũng dần phát triển mạnh và tổ chức nhiều giải đấu ở các cấp độ từ quốc gia, khu vực, châu lục cho tới giải vô địch thế giới. Hoạt động chuyên môn của môn phái cũng diễn ra đều đặn và chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

Đặc biệt, tại SEA Games 32, Vovinam đã chính thức trở thành một môn thi tranh tài trong khuôn khổ đại hội thể thao khu vực, đánh dấu một cột mốc quan trọng. Với sự phát triển ở thời điểm hiện tại, không chỉ các võ sinh, huấn luyện viên, vận động viên Vovinam chuyên nghiệp mà cả người hâm mộ đều có quyền tin tưởng vào tương lai môn phái này hòa nhập mạnh mẽ với thể thao thế giới.

Trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Trước những đóng góp và sự phát triển của Vovinam, tháng 11.2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức công nhận môn võ này trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào ngày 24.11.2023, ngay trong lễ khai mạc của Giải vô địch Vovinam thế giới lần thứ 7, danh hiệu này cũng đã được đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao cho tập thể hội đồng võ sư chưởng quản và tập thể võ sinh môn phái. Điều này còn có ý nghĩa đặc biệt hơn nữa khi giải đấu được tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ nước ta - cái nôi của Việt Võ Đạo.

Giải đấu lần này được ghi nhận là có số lượng đoàn thể thao, vận động viên cũng như trọng tài đông nhất trong lịch sử tổ chức giải từ trước tới nay. Hơn 650 vận động viên, trọng tài và huấn luyện viên đến từ 35 đoàn thể thao đã đăng ký và sẵn sàng tranh tài ở 44 nội dung thi đấu.

Chỉ sau 2 ngày đầu tiên, Đoàn thể thao nước chủ nhà cũng đã xuất sắc giành về 10 HCV trong số 19 nội dung đã tham gia tranh tài. Và đến ngày thi đấu thứ 3, các vận động viên Việt Nam tiếp tục đem về thêm 4 HCV, nâng tổng số HCV của đoàn Việt Nam lên con số 14 ở cả 2 nội dung thi đấu đối kháng và quyền.

Cuộc thi vẫn đang tiếp tục diễn ra với nhiều trận đấu đỉnh cao và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 30.11.2023. Sau lễ bế mạc, tổng kết và trao huy chương thì các đội thi, đoàn trọng tài sẽ lên máy bay về nước vào ngày 1.12.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.