Hành trình vượt cửa tử Covid-19 của bệnh nhân nặng 140 kg: ‘Em muốn ra viện, về nhà ôm con’

07/02/2022 14:15 GMT+7

Cơ địa béo phì, nặng tới 140 kg kèm nguy kịch hô hấp cấp, phổi đông đặc 80%, tỉ lệ tử vong lên đến 80 - 90%, một nam bệnh nhân Covid-19 ở TP.HCM đã hồi phục thần kỳ sau 84 ngày can thiệp ECMO liên tục với những nỗ lực suốt 3 tháng trời của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16.

Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 trực thuộc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, quận 7 những ngày đầu năm mới Nhâm Dần 2022.

Ekip của bác sĩ Giang Minh Nhật vẫn đang miệt mài theo dõi những tiến triển của nam bệnh nhân Covid-19 28 tuổi từng diễn biến rất nặng.

Nhập viện từ ngày 10.11.2021 trong tình trạng viêm phổi do Covid-19 và suy hô hấp nặng, đến nay, bệnh nhân này đã trải qua gần 3 tháng điều trị, theo dõi trong bệnh viện.

Hành trình vượt cửa tử Covid-19 của bệnh nhân nặng 140 kg: ‘Em muốn ra viện, về nhà ôm con’

Đây là bệnh nhân đặc biệt với cân nặng 140kg, chỉ số cân nặng thuộc mức béo phì cấp độ 3, mức nặng nhất theo phân độ Tổ chức Y tế Thế giới WHO kèm theo bệnh nền đái tháo đường.

Đây là ca bệnh can thiệp ECMO với thời gian kỷ lục tại Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại

tư liệu

Các bác sĩ đã sớm dự báo đây là trường hợp có nguy cơ chuyển biến nặng nhanh vì bão Cytokine quá mạnh.

Từ khi mới nhập viện, sau 18 tiếng đầu được can thiệp bởi kháng sinh và đặt nội khí quản, bệnh nhân vẫn diễn tiến nặng dẫn đến việc các bác sĩ phải can thiệp bằng biện pháp tim phổi nhân tạo (tức ECMO).

Đây là ca bệnh đầu tiên các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 phải áp dụng kỹ thuật này kể từ khi tiếp quản từ Bệnh viện Bạch Mai, đồng thời, cũng là ca bệnh có thời gian điều trị ECMO kỉ lục trong suốt 84 ngày gian nan với tỉ lệ tử vong được dự báo là trên 70%.

Ca can thiệp ECMO cho bệnh nhân được tiến hành bởi ekip gồm các y bác sĩ từ Bệnh viện Dã chiến 3 tầng số 16 kết hợp với các bác sĩ chuyên gia ECMO từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới

Lê Vân

Với cân nặng 140kg, bệnh nhân cần đến 8 người bao gồm cả bác sĩ và điều dưỡng để hỗ trợ mỗi lần bệnh nhân cần thay đổi tư thế.

Ngày 11.11.2021 là thời điểm bệnh nhân bắt đầu can thiệp ECMO, cũng là thời điểm dịch Covid-19 tại TP.HCM vẫn còn nóng bỏng với những khó khăn về nhân lực, vật tư trang thiết bị y tế.

Có những thời điểm 12 bác sĩ và 24 điều dưỡng mỗi ca phải chăm sóc cho hơn 120 bệnh nhân diễn tiến nặng vì Covid-19 dưới áp lực rất lớn. Sau hơn 1 tháng điều trị, ca bệnh vẫn chưa tiến triển, đó là lúc các bác sĩ đã không ít lần nản lòng và muốn từ bỏ.

Điều đầu tiên bệnh nhân muốn làm sau khi khỏi bệnh là được về nhà ôm cô con gái 6 tháng tuổi

Lê Vân

Chiến đấu với Covid-19 trong bệnh viện, bệnh nhân còn canh cánh trong lòng nỗi lo khi cô con gái nhỏ mới 3 tháng tuổi cũng mắc Covid-19, vợ anh phải chăm sóc con nhỏ tại một bệnh viện khác.

Xa gia đình suốt 3 tháng liên tục, các y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến dường như đã trở thành gia đình thứ hai giúp Dũng vượt qua những thời khắc nguy kịch nhất. Đây cũng là bệnh nhân được các bác sĩ đánh giá là có nghị lực rất mạnh trong quá trình chống chọi và phục hồi Covid-19.

Ngày 23.1.2022, bệnh nhân được rút nội khí quản.

Đến ngày 2.2 (tức mùng 2 tết), quá trình điều trị ECMO dài 84 ngày của anh cũng đã kết thúc.

Hiện tại, bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính, rút nội khí quản hơn 14 ngày.

Ekip của Báo Thanh Niên đến thăm bệnh nhân vào ngày mùng 6 tết; lúc này, dù còn khó khăn nhưng anh đã có thể trò chuyện, chụp hình rất vui vẻ cùng các y bác sĩ và phóng viên.

Tư Liệu

Tuy nhiên, quá trình hồi phục vẫn còn cả một chặng đường dài vì giai đoạn tăng viêm, nguy cơ tổn thương đa cơ quan và biến chứng do nằm viện kéo dài và thở máy kéo dài.

Anh đang bước vào quá trình điều trị hậu Covid-19 với những biện pháp vật lý trị liệu, kết hợp với sự phối hợp đa chuyên khoa tại bệnh viện.

Sự hồi phục của bệnh nhân từng có nguy cơ tử vong rất cao và từng nhiều lần đứng giữa ranh giới sống - chết này là nguồn động viên, sự đền đáp và là món quà xuân to lớn sau những khó khăn mà tập thể y bác sĩ Bệnh viện dã chiến 3 tầng số 16 đã trải qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.