Hanoi Ad Hoc kể chuyện di sản công nghiệp Hà Nội

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
28/03/2022 06:27 GMT+7

Những câu chuyện xinh xắn về Nhà máy bia Hà Nội, văn hóa bia hơi Hà Nội… là một phần thành quả nghiên cứu nhân học của nhóm Hanoi Ad Hoc.

Văn hóa bia hơi “mở màn”

Một chiếc xe máy với bom bia được cột bằng dây cao su di chuyển để mang bia hơi từ các cơ sở sản xuất tới hàng trăm quán bia rải rác khắp hang cùng ngõ hẻm Hà Nội. Đó là hình ảnh mở đầu của video về Bia Hà Nội được nhóm Hanoi Ad Hoc đưa lên Facebook, YouTube cũng như trang web của mình hồi tháng 3. Theo nhóm này, những quán bia hơi, cũng là không gian tụ tập bình dân này là một trong những biểu tượng của đời sống đô thị ở Hà Nội. “Bia hơi và loại bia tươi mà những quán bia phục vụ đã bén rễ rất sâu vào cảnh quan đô thị và văn hóa đại chúng, đến mức khó có thể hình dung thành phố này mà thiếu vắng bóng dáng của những nơi chốn này. Tuy nhiên, những quán bia này lại không phải đã có từ lâu…”, Hanoi Ad Hoc đưa quan điểm qua video.

Hình ảnh về những chiếc xe máy chở bia đi khắp thành phố, tạo thành văn hóa bia hơi Hà Nội trong video của Hanoi Ad Hoc

chụp màn hình video

Video về Bia Hà Nội này cũng là video “mở màn” cho chuỗi các công bố sau nghiên cứu của nhóm Hanoi Ad Hoc. Họ là một nhóm các thành viên kiến trúc sư, nhà nhân học hợp tác với nhau đến từ nhiều thành phố khác nhau trên khắp châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á. Hiện đang sống và làm việc tại Paris, London, Berlin, Montreal và Hà Nội, họ cùng trao đổi nghiên cứu lý thuyết, cũng như liên tục khảo sát thực tế tại Hà Nội.

Có nhiều cột mốc thú vị được nhóm điểm trong câu chuyện bia hơi. Đó là thời điểm năm 1886, khi doanh nhân Alfred Hommel đặt chân đến Hà Nội, cũng là lúc người dân ở đây chỉ uống rượu gạo. Trong khí hậu nóng, rượu đã không thể trở thành đồ uống yêu thích của người Pháp thực dân. Năm 1892, Alfred Hommel đã mở nhà máy bia tại Hà Nội. Ông cũng tìm được nguồn nước mềm và tinh khiết gần nhà máy để làm bia. “Ở đó, Hommel đào được một giếng nước mà theo lời con cháu ông sau này kể lại, nó không bao giờ cạn và còn cho nguồn nước ngọt, trong”, nhóm Hanoi Ad Hoc cho biết.

Cũng theo các mốc thời điểm mà nhóm đưa ra, người Pháp nấu mẻ bia cuối cùng ở nhà máy vào năm 1954. Khi rời đi, họ mang theo máy móc và hủy tài liệu. Sau đó 3 năm, Nhà máy bia Hà Nội ra đời, bia chai Trúc Bạch cũng “chào sân” với sự giúp đỡ của chuyên gia Tiệp Khắc. Năm 1960, nhà máy sản xuất loại bia nhẹ không cần tiệt trùng, giá rẻ là bia hơi. Lệnh cấm dùng gạo nấu rượu để bảo đảm an ninh lương thực càng giúp bia hơi lan nhanh hơn. Giờ đây, bia hơi đã trở thành một phần ẩm thực Hà Nội.

Văn hóa bia hơi thời bao cấp

Chị Phạm Thu Trang, một thành viên của nhóm Hanoi Ad Hoc, cho biết video này chỉ là một trong những góc nhìn về Nhà máy bia Hà Nội. Dự án còn có những góc nhìn khác về nhà máy cũng như có những sản phẩm nghiên cứu khác được công bố. “Hiện nay chúng tôi đang bước vào giai đoạn cuối của dự án Ad Hoc 1.0 và đã chọn ra 20 nhà máy để nghiên cứu sâu. Với mỗi nhà máy ấy, chúng tôi chọn ra góc nhìn đặc trưng nhất để kể câu chuyện về nó thông qua một đoạn phim ngắn. Trong trường hợp của nhà máy bia, đó là câu chuyện về cách mà một thứ đồ uống thuộc địa xuất hiện, tác động lên văn hóa đại chúng của người Việt và giờ đây là một thành phần không thể thiếu trong nền văn hóa vỉa hè của chúng ta”, chị Trang nói.

Bản đồ di sản công nghiệp

Không chỉ nghiên cứu và kể câu chuyện nhà máy bia dưới góc nhìn nhân học, Hanoi Ad Hoc còn nghiên cứu nhiều nhà máy khác. Đó là: Haprosimex Thăng Long (1933), Nhà máy rượu Lò Đúc (1898), Nhà máy kỹ thuật Điện Thông (1954), Tổng công ty May 10 (1946), Nhà máy xà phòng Hà Nội (1958), Nhà máy cao su Sao Vàng (1956), Nhà máy thuốc lá Thăng Long (1957), Nhà máy diêm Thống Nhất (1956)… “Với việc nhắm đến đối tượng rộng rãi, kết quả cuối cùng nhằm tiếp cận các nhà trí thức, các nhà thực hành, các bên liên quan, những người quản lý để thuyết phục mọi người nhìn nhận các di sản công nghiệp và việc bảo tồn ở nhiều góc độ”, nhóm Hanoi Ad Hoc cho biết. Nhóm cũng cho biết sau nghiên cứu nhà máy, họ còn một lịch trình dài hơi. Đó là nghiên cứu nhà và khách sạn, nghiên cứu cổng (làng) đô thị, nghiên cứu vỉa hè, tượng đài.

Thời điểm người Pháp bắt đầu vào Việt Nam, người dân chỉ quen với rượu gạo

ThS Phạm Trung Hiếu, giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, đánh giá công việc của Hanoi Ad Hoc với hệ thống công trình công nghiệp ở Hà Nội là một công trình có tính chiều sâu, phục vụ cho giới nghiên cứu. Nó rất cần thiết trong tương lai lâu dài để phục vụ người nghiên cứu, học tập. “Quan trọng hơn nó giúp cho những nhà quản lý, nhà hoạch định tương lai có cái nhìn đúng đắn về hệ thống các công trình công nghiệp từ trước đến nay, sau đó đề ra những định hướng phù hợp. Đấy là công việc ý nghĩa và cũng cần người tâm huyết, có trình độ. Nghiên cứu cũng tập hợp được những người trẻ và rất đáng ủng hộ”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu đánh giá người dân bình thường cũng được thụ hưởng dự án nghiên cứu nhân học của Hanoi Ad Hoc. “Bên cạnh nghiên cứu, họ làm phim giới thiệu khá thân thiện. Cộng đồng cư dân xem phim có thể không thẩm thấu được hết những giá trị chiều sâu nghiên cứu nhưng vẫn hiểu được về những công trình công nghiệp bên cạnh mình, mà đôi khi mình bỏ qua, bỏ lỡ các thông tin về nó. Các cư dân đô thị bình thường cũng được hưởng lợi”, ông Hiếu nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.