Nhà máy di dời, khu sáng tạo thành hình?

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
22/10/2021 06:40 GMT+7

Những hình ảnh về một bảo tàng đường sắt cho thấy không gian ga xe lửa Gia Lâm có thể biến thành khu sáng tạo thế nào.

“Thủ lĩnh” Zone 9, kiến trúc sư (KTS) Đoàn Kỳ Thanh, đã rất hào hứng với việc biến những di sản công nghiệp cũ thành khu sáng tạo. Sau Zone 9 (Hà Nội), ông Thanh tiếp tục làm Hà Nội Creative City. Giờ đây, ông Đoàn Kỳ Thanh vừa đoạt giải nhất đối tượng chuyên nghiệp, hạng mục Hạ tầng thúc đẩy sáng tạo, cuộc thi Thiết kế không gian sáng tạo Hà Nội.

Phác thảo một phần bảo tàng tại địa điểm Nhà máy xe lửa Gia Lâm

Phạm Trung Hiếu

“Chủ đầu tư muốn tri ân Hà Nội. Và chúng tôi dành thêm 25% diện tích cho không gian công cộng ở công trình”, ông Thanh nói tại cuộc tọa đàm "Di dời cơ sở sản xuất công nghiệp ở Hà Nội - Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về di sản công nghiệp”, tổ chức ngày 21.10 ở Hà Nội.

Phần diện tích mà chủ đầu tư dành thêm cho không gian chung này, được TS-KTS Lê Phước Anh (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) đánh giá là một sự “hy sinh” đáng kể. Mặc dù vậy, sự hy sinh này hiện tại chưa được “đền đáp” về chính sách theo pháp luật hiện hành tại Việt Nam. “Cắt bớt đất ra thì chủ đầu tư được gì. Ở Mỹ, nếu một tòa nhà lùi lại để cho không gian công cộng thì nó có thể được tăng tầng cao. Trường hợp này ở ta có thể hỗ trợ về thuế đất chẳng hạn”, ông Lê Phước Anh nói.

Ông Phước Anh cũng cho biết, từ 20 năm trước, ông đã hướng dẫn những nghiên cứu về việc biến các không gian di sản công nghiệp thành khu sáng tạo. Tuy nhiên, có thể thấy việc thay đổi này trên thực tế tới nay vẫn còn chưa nhiều và còn vướng mắc. “Chúng ta nhìn Zone 9 (một khu nhà Pháp cũ được chuyển thành không gian sáng tạo) chẳng hạn, nó được khai thác rất hay. Nhưng chúng ta thiếu khung pháp lý cho những công trình chuyển đổi như thế. Đấy là nút thắt chính sách chứ không phải chuyện KTS có thấy di sản đó hay hay không. Các KTS của chúng ta có thừa sáng tạo”, ông Phước Anh nói.

Như để minh chứng một phần cho khả năng sáng tạo đó, KTS Phạm Hiếu (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cũng giới thiệu tại tọa đàm thiết kế của nhóm mình. Ở đó, ông Hiếu cùng cộng sự đã phác thảo Nhà máy xe lửa Gia Lâm thành một bảo tàng xe lửa sinh động. Đầu tàu cũ vẫn được giữ lại, con tàu cũ cũng còn đó để mọi người có thể tham quan và hình dung về một phương thức vận chuyển từ rất xa xưa. Bảo tàng này có cả các khu vui chơi, để trẻ em người lớn có thể cùng khám phá, từ đường ray tới cách các đầu máy xe lửa vận hành.

Ông Hiếu đã xây dựng đồ án này dựa trên những khảo sát di sản Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội). Ông cũng tính đến những gì được giữ lại, những gì cần bổ sung vào. Nhờ đó, công trình có thêm nhiều chức năng giải trí, tìm hiểu văn hóa lịch sử nhưng vẫn giữ được các yếu tố kiến trúc văn hóa gốc.

Thời điểm lịch sử

Tại buổi tọa đàm, có nhiều kinh nghiệm thay đổi các khu di sản công nghiệp ở nước ngoài được chia sẻ. KTS Tây Ban Nha Sanvador Pérez Arroyo chia sẻ về việc đã có kho muối ở quê hương ông được biến thành không gian sáng tạo thế nào. Các KTS khi sửa đổi nó đã cố gắng giữ những bức tường quá khứ, nhờ đó giữ được linh hồn của lịch sử là hình dung về đời sống xưa kia khi kho muối còn hoạt động.

Trong khi đó, KTS người Ý Massimo Roj nói về một khu công trình lớn được cải tạo từ di sản công nghiệp. Sau cải tạo, đó là nơi kết nối người trẻ với di sản. Toàn bộ khu công nghiệp xưa được cấy thêm hệ thống cây xanh tạo hình thái kiến trúc đô thị xanh. Các bối cảnh cũ kết hợp cảnh quan mới tạo thành một bối cảnh đô thị có bản sắc rõ ràng. “Có kinh doanh nông nghiệp, khu ăn uống, trung tâm giáo dục, chợ nhỏ. Đây là khu sáng tạo mới từ một khu lò cũ. Những gì trước đây công chúng không được tiếp cận thì đã được mở cho công chúng vào. Đó là một địa điểm gặp gỡ, hoạt động tập thể. Chúng tôi cũng chú trọng tinh thần khởi nghiệp của sinh viên, các thế hệ khác nhau”, ông Massimo chia sẻ.

KTS Bùi Thị Thúy Ngọc (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho biết nghiên cứu của chị cho thấy Đức và Pháp là hai nước tái tạo được nhiều không gian di sản công nghiệp. Các khu di sản công nghiệp này được chuyển đổi thành nhiều khu có công năng khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chuyển đổi thành khu công cộng chiếm tới 90%, rất ít chuyển thành nhà ở. KTS Nguyễn Thái Huyền (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) cho rằng nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trong danh sách di dời đã tạo cảm hứng cho các KTS sáng tạo không gian mới. Chẳng hạn, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Nhà máy dệt kim Đông Xuân, Nhà máy Bia Hà Nội đều là các công trình được nhiều KTS làm đồ án thay đổi.

Ông Nguyễn Đức Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, cho rằng hiện tại có thể thấy cần bảo vệ đô thị, tái thiết đô thị bền vững, đặc biệt là khi các luật về bảo vệ môi trường đặt vấn đề. Nhìn lại, ông Hùng cũng nhấn mạnh việc trước 2020, Hà Nội triển khai di dời 95 cơ sở công nghiệp. Trong đó, 65 cơ sở thành trường học, trung tâm thương mại dịch vụ. “Năm 2004, xưởng in Báo Nhân Dân thành Viện Pháp hiện nay. Trung tâm văn hóa Pháp này cũng là nơi kết nối nghệ thuật và sáng tạo”, ông Hùng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.