Hào hiệp, nghĩa tình

19/03/2022 06:11 GMT+7

Những người khách trọ tự hào khi nhắc về nơi họ ở - khu trọ của bà Bùi Thị Bên (P.Tăng Nhơn Phú A, TP.Thủ Đức, TP.HCM). Câu cửa miệng của họ là: “Bà chủ có đuổi, tôi cũng không đi”.

TP.HCM, đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước, nơi nhịp sống hối hả, công việc cạnh tranh và đôi khi sinh kế là một áp lực lớn với nhiều người. Nhưng vùng đất này cũng là nơi mà những câu chuyện về lòng hào hiệp, nghĩa tình được vẽ nên.

Bà Bên nổi danh trong khu trọ với vai trò “bảo mẫu”

NGỌC DUY

Như chuyện những người khách trọ tự hào khi nhắc về khu trọ của bà Bùi Thị Bên (58 tuổi, quê Hải Phòng). Khu trọ có 35 phòng, đa số là công nhân, người lao động thuê. Có người sống ở đây từ thời sinh viên, đến khi lấy vợ, sinh con vẫn chưa có ý định chuyển sang nơi ở khác. Theo khách thuê lý giải, không chỉ vì không khí sinh hoạt khăng khít, hài hòa, mà còn vì tấm lòng của bà chủ trọ.

Với bà Bên, việc xây trọ là một hình thức kinh doanh của gia đình, nhưng cạnh đó, người phụ nữ này kể, khi lập thân nơi phố thị, bà cũng từng trải qua giai đoạn khốn khó, bươn chải mưu sinh và sống trong căn trọ ọp ẹp, tồi tàn. Nên khi có điều kiện thay đổi cuộc sống, bà luôn mong muốn chia sẻ với những người lao động nghèo.

Như chuyện bà bình ổn giá phòng, thường tổ chức sinh hoạt, tặng quà người thuê mỗi dịp lễ, tết. Chuyện lúc dịch Covid-19 đợt 4 bùng phát, bà giảm giá từ 50 - 100% tiền thuê phòng, chạy đôn đáo tiếp tế lương thực, thực phẩm cho khu trọ...; hay đặc biệt là chuyện bà làm bảo mẫu, trông trẻ con cho nhiều gia đình công nhân.

Như một khách trọ cảm thán: “Khi còn bé, con út của tôi ở với bà Bên còn nhiều hơn ở với chúng tôi. Thành thử tới giờ, mỗi lần thấy bà Bên ghé qua nhà thì con nhóc cứ nằng nặc đòi bà chơi cùng mới hết quấy!”.

Bà Bên giữ trẻ không lấy tiền, ngược lại bà còn bỏ tiền mua tã, sữa cho các bé vì với bà đó là niềm vui, sự sẻ chia với người lao động. TP.HCM luôn có những điều đáng quý, đáng để tự hào như thế!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.