Người viết đã ghi nhận được nhiều bức xúc của các PV thường trú tại TP.Đà Nẵng về tình trạng này. Không bức xúc sao được khi PV tác nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 tiềm ẩn nhiều hiểm nguy đến sức khỏe, tính mạng..., nhưng sau khi báo đăng tải thông tin thì gần như lập tức các trang TTĐTTH đã sao chép, “xào nấu” nội dung để đăng tải lại. Vi phạm về tác quyền báo chí từ những trang TTĐTTH rất thô bạo, như: sao chép, chỉnh sửa nội dung, giật tít câu view…
Bản thân người viết cũng là nạn nhân của nạn trộm cắp này. Nhiều tác phẩm của Báo Thanh Niên đã bị các trang TTĐTTH “không rõ nguồn gốc” hoặc thậm chí có tư cách pháp nhân hẳn hoi “thó” tin, bài. Đề cập đến vấn đề này, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng Nguyễn Thu Phương cho biết Sở thường xuyên rà quét các trang TTĐTTH và phát hiện một số trường hợp chưa được cấp phép hoạt động. Bên cạnh đó, một số trang TTĐTTH đăng tải các thông tin liên quan về Đà Nẵng có nhiều sai lệch, gây hoang mang dư luận. Một số trang lấy tên miền liên quan đến Đà Nẵng nhưng pháp nhân ở địa phương khác, đăng tải bài viết có nội dung phức tạp, sử dụng tên miền gây nhầm lẫn với các cơ quan báo chí...
Ngày 23.9 vừa qua, Sở TT-TT TP.Đà Nẵng đã có công văn gửi các cơ quan báo chí phối hợp cung cấp thông tin các trang TTĐTTH, mạng xã hội vi phạm. Để xử lý về vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong báo chí, trước hết, mỗi cơ quan báo chí phải mạnh mẽ lên tiếng. Tìm hiểu kỹ nạn “trộm cắp” này, tôi tin rằng nếu các cơ quan báo chí đồng loạt cung cấp thông tin vi phạm thì có thể trị được nạn trộm cắp tin bài của một số trang TTĐTTH được cấp phép. Còn đối với các trang “không rõ nguồn gốc”, việc phản ánh thông tin sẽ giúp cơ quan chức năng có thêm cứ liệu để xử lý. Đó cũng là cách “làm sạch” thông tin trên môi trường mạng mà mỗi cơ quan báo chí có góp phần.
Bình luận (0)