Với người lính đặc công Lê Phú Phẩm (70 tuổi, trú tại xã Phú Thọ, H.Quế Sơn), khu căn cứ Đèo Le - Hòn Tàu là nơi không thể nào quên, bởi suốt quãng thanh xuân của mình, ông đã quên mình kháng chiến chống Mỹ. Để rồi với những chiến công hiển hách, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang (AHLLVT) vào năm 2018.
Nơi che chở người lính
Suốt giai đoạn 1967 - 1972, khi Huyện ủy Quế Sơn chọn Hòn Tàu làm căn cứ, ông Phẩm cùng những đồng đội đã tham gia nhiều trận đánh có thể gọi là kỳ tích khi diệt gọn nhiều tiểu đội, đại đội địch với sự chênh lệch lớn về quân số cũng như vũ khí. “Hòn Tàu là căn cứ quan trọng nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Thứ nhất là hậu cần từ cấp quân khu cho đến huyện, tỉnh đội, hậu cần từ lương thực đến vũ khí đều có mặt ở đó. Thứ hai, các bệnh xá của tỉnh như CK110, bệnh xá dân y đều đóng ở đó. Thứ ba, là đóng quân, trong đó có chỉ huy sư đoàn, ban chỉ huy của Huyện đội, Tỉnh đội cũng về đóng ở đó. Các ngõ Duy Xuyên, Điện Bàn cũng hay về tránh trú. Núi Hòn Tàu che chở tất cả các lực lượng của tỉnh, của quân khu, nhất là quân đội Mặt trận 4”, ông Phẩm kể.
Đến tháng 3.1967, lữ đoàn 173 của Mỹ đổ quân vào rồi chiếm đóng toàn bộ thung lũng Quế Sơn, lấy Cấm Dơi làm căn cứ cấp trung đoàn. Tất cả các đỉnh núi cao đều bị chiếm giữ. “Phía ta, Huyện ủy Quế Sơn đã dựa vào núi Hòn Tàu hùng vĩ với toàn cây cổ thụ, nhiều hang động... làm căn cứ. Những hang trầm, trong đó hang lớn nhất là Xác Máu được Huyện ủy Quế Sơn chọn làm căn cứ. Từ tháng 3.1967, toàn bộ cơ quan Đảng, Nhà nước đều được di dời về núi Hòn Tàu để trụ giữ, chỉ đạo toàn bộ Quế Sơn kháng chiến”, ông Hương tiếp lời.
|
Xứng đáng có khu lưu - tưởng niệm
Ông Mai Xuân Hương kể rằng biết Hòn Tàu là căn cứ cách mạng của Huyện ủy Quế Sơn, là nơi đóng quân của đông đảo cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng, nên suốt thời gian dài, lực lượng Mỹ và VNCH đã thả xuống Hòn Tàu đủ loại bom. Địch cũng thả hàng trăm biệt kích lùng sục dấu vết bộ đội chủ lực hòng tiêu diệt khu căn cứ. Đỉnh điểm có tháng địch dùng hàng chục lượt máy bay B-52 “rải thảm” hàng ngàn tấn bom, và rải cả chất độc hóa học để hủy diệt khu căn cứ.
“Ở Hòn Tàu, ngay Eo Gió giữa Nông Sơn và Quế Sơn cùng ngã tư Gò Hố - mối liên lạc giữa vùng đông và tây Quế Sơn, quân giải phóng đã hy sinh rất nhiều. Hằng đêm, phía ta phải đi qua “đường dây” này. Bên núi Hòn Tàu ở phía thấp thì địch đóng quân; còn mình thì cứ mở không biết bao nhiêu đường để vận chuyển lương thực, thuốc men… Mỗi lần mở đường, chúng phát hiện rồi mai phục, bắn chết. Chúng gài mìn, bom đủ loại. Chúng rải đủ thứ chất độc khiến cây lá chết héo. Đau thương lắm”, ông Hương nhớ lại.
|
AHLLVT Lý Công Bính (76 tuổi) khẳng định, Hòn Tàu là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội và cán bộ, kể cả nhân dân. Chiến tranh có ác liệt bao nhiêu đi nữa thì cách mạng vẫn bám trụ và xây dựng khu căn cứ ở đó. “Hồi đó, hang Bà Sáu ở chân đèo Le rất sâu. Có khi địch ở trên, mình ở bên dưới mà chúng không biết hoặc biết nhưng chịu thua vì không có cách gì để bắt. Đó thật sự là chỗ dựa vững chắc cho bộ đội. Như một công sự khổng lồ mà chúng ta dùng để bao chứa bộ đội”, cụ Bính nói và cho biết thêm: “Những hố Sáu, hang Ông Lân, hang Ông Nhà... là nơi tôi đã lập công bắn rơi máy bay, diệt nhiều tên địch. Du kích ta ở Hòn Tàu đã có nhiều trận đánh hùng tráng khiến địch khiếp sợ...”.
Trong thâm tâm AHLLVT Lý Công Bính luôn mong mỏi khu căn cứ địa Hòn Tàu - Đèo Le có một khu tưởng niệm để nhắc nhớ lịch sử bi hùng cho con cháu. “Tôi nói thật, nếu có công làm được di tích đó, không những tôi mừng trong cái chung mà còn vui sướng vì khu di tích sẽ gợi lại cho con cháu mai sau những ký ức hào hùng. Để nhớ rằng nơi đó máu, xác các đồng đội của tôi đã ngã xuống mà có người lấy được, có người không. Lớp mới nối lớp cũ cứ thế hy sinh cho độc lập dân tộc. Đó là nguyện vọng bấy lâu nên được như vậy, tôi hết sức ủng hộ”, cụ Bính rưng rưng.
Cùng đau đáu về việc xây dựng một khu tưởng niệm, AHLLVT Lê Phú Phẩm nói, đó cũng là ước mơ của ông bấy lâu nay. “Trong những chập chờn giấc ngủ, tôi vẫn nhớ về những ngày súng nổ ở Hòn Tàu mà khi đó tôi là một lính đặc công trẻ. Bởi vậy, nghe tin xây dựng khu tưởng niệm ở khu Hòn Tàu tôi mừng vô kể. Hòn Tàu là một chiến tích lớn; như một mái nhà để che chở cho quân đội. Được nhìn thấy khu lưu - tưởng niệm Hòn Tàu, thế hệ chúng tôi nhắm mắt cũng đặng...”, ông Phẩm trải lòng.
|
Ông Lê Quang Tiên Sơn, Trưởng phòng VH-TT H.Quế Sơn cho hay, để đầu tư xây dựng khu lưu - tưởng niệm khu căn cứ chiến đấu Quế Sơn - Hòn Tàu, UBND huyện đã thành lập ban tổ chức hội thảo. Trên cơ sở các nhân chứng sống, phòng sẽ mời viết bài về Quế Sơn, khu căn cứ Hòn Tàu. UBND huyện làm việc với các ngành liên quan và UBND xã Quế Long để chuẩn bị diện tích xây dựng khu tưởng niệm 1,56 ha tại đồi Cây Xoài Đôi ở đèo Le, trong đó xây dựng các hạng mục như: nhà trưng bày hiện vật, nhà ăn, hội trường, tiểu hoa viên...
“Phòng đã tham mưu lập hồ sơ trình Sở VH-TT-DL thẩm định để công nhận là di tích cấp tỉnh. Vừa qua, phòng đã tham mưu huyện có thư kêu gọi nhà hảo tâm các nơi như TP.HCM, Đà Nẵng, con em địa phương sinh sống trên địa bàn toàn quốc hướng về xây dựng khu lưu - tưởng niệm này. Năm 2021, huyện cũng chi khoản ngân sách cùng khoản xã hội hóa triển khai dự án này”, ông Sơn thông tin.
Bình luận (0)