Hào khí miền Đông: Những thanh âm thương nhớ

10/12/2023 09:00 GMT+7

Ký ức tuổi thơ tôi gắn với một vùng ngoại ô Sài Gòn. Nơi có cái xóm nhỏ nằm nép dưới bóng những bụi tre tàu quanh năm xanh rì, con đường cát quanh co nắng tung mù bụi, lỗ rỗ dấu chân ngựa vào mùa mưa... Và còn nữa, những thanh âm quen thuộc vẫn cứ vọng về trong những giấc mơ tôi, gợi thương gợi nhớ.

Ký ức tuổi thơ tôi gắn với một vùng ngoại ô Sài Gòn. Nơi có cái xóm nhỏ nằm nép dưới bóng những bụi tre tàu quanh năm xanh rì, con đường cát quanh co nắng tung mù bụi, lỗ rỗ dấu chân ngựa vào mùa mưa... Và còn nữa, những thanh âm quen thuộc vẫn cứ vọng về trong những giấc mơ tôi, gợi thương gợi nhớ.

Tôi nhớ tiếng kéo cần vọt kẽo kẹt kiên nhẫn những sớm, những khuya. Cần vọt làm bằng thân cây tre tàu dài, gác ngang một chạc cây dông trồng sát bờ giếng theo thế một cái bập bênh, đầu dưới treo một cục đá, đầu còn lại gắn với một thanh tre nhỏ ngó giống hình cái cần câu khổng lồ. Nước kéo lên từng gàu một, cực lắm, nhưng nhờ vậy mà cà chua, bắp cải, su hào... đâm bông kết trái xanh đồng. Qua tháng nắng, đất cát dưới chân khô rốc, chỉ chực gàu nước đổ xuống là lập tức hút kiệt. Tiếng kẽo kẹt vì vậy mà đi qua cả ngày dài cả khi đêm xuống. Kẽo cà, kẽo kẹt! Cái âm thanh yên bình, âm thanh của chắt chiu, yêu thương, của cả nỗi vất vả. Đứa trẻ giữa đêm thức giấc quờ tay qua không thấy má đâu, biết ngay má đang kéo nước tưới đồng. Đồng xanh là cơm con ăn, là áo con mặc, là sách con học nên tay má quên nghe mỏi. Nước hút vào đất còn mồ hôi đẫm ướt lưng áo má.

Hào khí miền Đông: Những thanh âm thương nhớ - Ảnh 1.

H.Củ Chi, TP.HCM

Đào Ngọc Thạch

Tôi nhớ những trưa ngập nắng, ôm gối nằm trên ván ngựa lắng nghe tiếng lá tre xào xạc ngoài hè, tiếng gà gáy tấm te, và tiếng radio, nhỏ mà vang xa, mà réo rắt buồn. Nó như len lỏi qua từng vạt tre, bụi chuối, rưng rưng trong cái quạnh vắng của buổi trưa rồi tự lúc nào len vào tận hồn người, lưu hoài ở đó. Một nỗi gì man mác không cắt nghĩa nổi giống như những ngày mưa dầm sụt sùi bâng quơ "nhớ ông bà ông vải" vậy. Những bài vọng cổ, những tuồng tích với các tài danh mà tới đứa con nít cũng làu làu... Ông cố tôi mê lắm, tuồng nào cũng rành. Cố học hành chữ nghĩa không có mấy nên lấy cái nhân, nghĩa, lễ, trí, tín trong tuồng tích áp dụng cho cuộc đời và dạy con dạy cháu. Cố tánh nóng như lửa nhưng bụng thương người, rộng rãi, phóng khoáng. Rẫy cố rộng, cố cho mấy gia đình chạy giặc tha hương cất nhà ở đậu. Chẳng tiền bạc gì, cố cười khà khà, chỉ nhận bánh thuốc Gò Vấp hay chai rượu đế làm vui. Tối tối, cố ngồi trên thềm phì phà ống vố, giọng rè rè ca mấy câu vọng cổ trong tiếng ghi ta phím lõm của ông già hàng xóm. Mắt cố lim dim, búng ngón tay gõ nhịp thay cho cái song loan. Tôi nằm nghe, hông lẽ vì vậy mà tôi thương và mê vọng cổ tới giờ!

Mặt đường trước nhà bao giờ cũng vậy, in những dấu chân ngựa, nhìn như những chữ C cắm một nửa xuống đất. Tiếng hí giận dữ hay phấn khích, tiếng giậm chân bậm bịch, tiếng thở phì, tiếng lóc cóc của móng sắt vỗ xuống mặt đường... tất cả với tôi đều thật quen thuộc. Ngày ấy nhiều nhà trong xóm tôi có nghề nuôi ngựa đua. Bãi cỏ, bờ tre, sân banh, nghĩa trang, ở đâu cũng có thể nhìn thấy bóng hình những chú ngựa đẹp như trong phim cao bồi. Gọi là để "quần chân", có người cưỡi ngựa phi vòng vòng. Người thì đạp xe rồi dắt ngựa lóc cóc một bên. Đôi khi bắt gặp một chú ngựa chứng giật cương dựng đứng rồi rần rật băng đồng. Người lớn nói cuối tuần, "tụi nó" sẽ được đưa xuống trường đua Phú Thọ để tranh tài.

Từ cửa sổ nhà mình, tôi thường ngồi nhìn chú X. chăm sóc bầy ngựa của mình. Những con ngựa thể hình cao lớn cân đối tuyệt đẹp, được đặt tên và khai sinh hẳn hoi, được cưng như trứng. Rồi ngày con Đ. Lộc chết do quá sức, gục ngã nơi đích đến, chú X. đóng cửa suốt mấy ngày, khóc hu hu như đứa con nít. Tôi nhìn qua ô chuồng trống không, tự dưng mà buồn. Những con ngựa khác hiểu gì không mà nhìn ủ rũ, mà tiếng hí nghe thống thiết...

Sau những nếp nhà là đồng xanh. Đồng xanh mênh mông. Người lớn trồng tỉa, còn những đứa trẻ đầu trần chân đất đi tìm hái nhãn lồng, cơm nguội... Mỏi chân thì nằm dài dưới bóng cây mát rượi, nhìn lên trời đếm những chiếc máy bay vừa cất cánh từ phi trường Tân Sơn Nhất. Âm thanh ù ù ấy chúng đã quen từ khi mới lọt lòng. Hình ảnh những chiếc máy bay to đùng vụt qua bầu trời như con đại bàng khổng lồ trong cổ tích Thạch Sanh, chẳng biết có cắp theo công chúa không nữa. Rồi tụi nhỏ vu vơ hỏi ai đang ngồi trong đó, và phi công có phải là những người có khả năng kết nối được với ông trời! Sau này lớn lên được đi đông đi tây, đứa ngồi trên máy bay hẳn đã nhìn xuống mảng xanh quê nhà, nghĩ về sự ngây ngô ấy mà bụm miệng cười, thương tuổi thơ mình biết mấy.

Thời gian như bóng mây, rồi đô thị hóa như một cơn lốc cuốn qua biến ngoại ô thành nhà, thành phố xá. Người ngoại ô giờ chuyển sang sống nhờ dịch vụ, mở quán, cất phòng trọ cho thuê, con cái học hành rồi đi làm trong các công ty "nước ngoài, nước trong". Cuộc sống hiện đại nhiều đổi thay; duy có một điều, người ngoại ô vẫn vậy, sống giản dị, nhiệt tình, tính cách bộc trực, hào phóng và giàu nhân ái, như cha ông mình đã từng sống.

Tôi đứng giữa ngoại ô, vậy mà sao vẫn cứ nghe thương nhớ một ngoại ô của ấu thơ xa lăng lắc. 

Hào khí miền Đông: Những thanh âm thương nhớ - Ảnh 1.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.