HarmonyOS của Huawei liệu có thể cạnh tranh với iOS và Android?

05/06/2021 17:04 GMT+7

HarmonyOS 2 của Huawei bắt đầu xuất hiện trên điện thoại, máy tính bảng, đồng hồ thông minh và cả thiết bị gia dụng. Tuy nhiên, có rất nhiều câu hỏi xung quanh việc HarmonyOS có thể cạnh tranh với Android và iOS hay không.

Dưới áp lực lệnh trừng phạt của Mỹ ngăn Huawei tiếp cận các dịch vụ từ Google, nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc quyết định chuyển sang dùng hệ điều hành nội bộ Harmony cho các thiết bị Internet vạn vật (IoT). 
Được biết, Huawei đã phát triển hệ điều hành Harmony từ năm 2012 với mục đích giảm phụ thuộc vào Android. Năm 2019, 3 tháng sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen, HarmonyOS chính thức ra mắt. Hãng điện thoại Trung Quốc định vị HarmonyOS là hệ điều hành hiện đại được thiết kế cho tất cả thiết bị IoT, linh hoạt hơn so với Android và iOS vốn được phát triển cách nay hơn 10 năm.   
Huawei hiện có nhiều đối tác sử dụng hệ điều hành này, gồm hãng thiết bị gia dụng Midea, công ty sản xuất drone (máy bay không người lái) SZ DJI Technology, cùng các hãng đồng hồ Thụy Sĩ như Tissot, Swatch.

HarmonyOS ra mắt, Huawei liệu có thăng hoa trong cuộc sống không Android?

Có phải Hamony chỉ là phiên bản khác của Android?

Theo SCMP, HarmonyOS chạy trên kiến trúc độc quyền của Huawei, nhưng công ty cũng thừa nhận sử dụng AOSP (dự án mã nguồn mở của Google) và Linux kernel (nhân Linux) trong smartphone, từ đó làm dấy lên nghi vấn liệu HarmonyOS có phải phiên bản khác của Android hay không.
Tài liệu cho biết hệ thống HarmonyOS dùng "thiết kế đa nhân" (multi-kernel design), gồm Linux monolithic kernel (nhân nguyên khối) và HarmonyOS microkernel (nhân vi mô) được xây dựng từ LiteOS của Huawei. Điều này có nghĩa là phiên bản HarmonyOS trên những thiết bị IoT thực chất được phát triển từ LiteOS, còn phiên bản HarmonyOS trên smartphone và máy tính bảng lại gần với Android.
Thiết kế đa nhân khiến HarmonyOS giống như hai hệ điều hành riêng biệt, tương tự Google và Apple đang phát triển hai hệ thống cho nhiều ứng dụng khác nhau. Tuy nhiên, tầm nhìn của Huawei vẫn là thu hẹp khoảng cách giữa thiết bị.
Tại buổi ra mắt HarmonyOS năm 2019, Richard Yu - giám đốc nhóm kinh doanh tiêu dùng của Huawei giải thích: "Nó rất phức tạp. Hướng phát triển tương lai của hệ điều hành là microkernel: chúng tôi cần phát triển một hệ điều hành tương lai cho kỷ nguyên này, bao trùm tất cả thiết bị".
Giám đốc tiếp thị sản phẩm Huawei James Lu giải thích microkernel có nhiều mô-đun hơn. Giống như những viên gạch Lego, hệ thống có thể chia thành các thành phần nhỏ hơn và ghép lại với nhau để hỗ trợ các thiết bị trong tương lai và kích hoạt các tính năng cụ thể, tức là microkernel sẽ nhẹ và linh hoạt, phù hợp với thiết bị IoT hơn.

Cơ hội để vượt qua Android, iOS?

Dù HarmonyOS có nhiều triển vọng, thế nhưng theo StatCounter thì hệ điều hành Android và iOS vẫn đang chiếm hơn 99% thiết bị di động cho đến tháng 5 năm nay.
Hệ điều hành thiết bị đang có xu hướng trở thành thị trường "người thắng lấy hết" (winner-takes-all market), nhờ hưởng lợi từ việc các nhà phát triển và người dùng chỉ liên kết với nhau thông qua 1-2 hệ thống phổ biến. Những năm gần đây, nhờ sự trỗi dậy của các ứng dụng web đa nền tảng, tình trạng này đã giảm bớt phần nào trong môi trường máy tính để bàn. 
Tuy nhiên, có khoảng cách lớn giữa ứng dụng gốc (native app) và ứng dụng dành cho web trên thiết bị di động, vì vậy người tiêu dùng và nhà phát triển vẫn ưa chuộng các ứng dụng được tạo ra cho một hệ điều hành cụ thể.
Trước Huawei đã có nhiều "ông lớn" công nghệ muốn tạo ra phiên bản hệ điều hành thay thế Android nhưng thất bại trong việc lôi kéo những nhà phát triển ứng dụng. 

Nhờ thiết kế đa nhân, HarmonyOS có thể hoạt động trên nhiều loại thiết bị

Ảnh chụp màn hình SCMP

Theo giám đốc điều hành kinh doanh Joe Belfiore, Microsoft từng cố gắng thu hút bên thứ ba tìm đến hệ điều hành Windows Phone OS nhưng đành phải tạm ngưng năm 2017, dù đã có nhiều biện pháp như trả tiền cho các nhà sản xuất viết ứng dụng. Có một thời gian Microsoft thử điều chỉnh hệ điều hành sao cho có thể chạy được ứng dụng Android, nhưng không phải ứng dụng nào cũng vận hành trơn tru.
Samsung Electronics từng muốn thay thế Android bằng hệ điều hành Tizen của mình, nhưng cuối cùng Tizen chỉ hoạt động trên đồng hồ thông minh và TV. Giờ Samsung từ bỏ cả mảng đồng hồ và hợp tác với Google để chuyển các tính năng của Tizen thành một phiên bản mới của Wear OS - là hệ điều hành giống Android mà Google phát triển cho các thiết bị đeo.
Huawei không phải là công ty Trung Quốc đầu tiên muốn thách đấu với Android. "Gã khổng lồ" Alibaba có AliOS - từng được gọi là hệ điều hành YunOS chạy trên smartphone - nhưng sau khi đổi tên thì AliOS chỉ còn hoạt động trên vài thiết bị IoT.
SCMP cho rằng ngay cả khi không bị Mỹ cấm vận, Huawei vẫn phải đối mặt nhiều thách thức nếu muốn hệ điều hành mới thành công. Việc vay mượn từ AOSP sẽ giúp người dùng Android dễ dàng làm quen với HarmonyOS, trong khi đó Huawei sẽ dần tách HarmonyOS khỏi cơ sở mã nguồn mở AOSP.
Tuy nhiên, nếu không có quyền truy cập vào Google, YouTube, Facebook và nhiều ứng dụng cùng dịch vụ phổ biến khác, hệ điều hành này khó lòng phát triển bên ngoài Trung Quốc. Bên cạnh đó, hầu hết các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng Android chứ chưa có ý định chuyển sang HarmonyOS.
Thế nhưng, Trung Quốc vốn đã cấm các dịch vụ nổi tiếng ở nước ngoài nên Huawei vẫn có khả năng sống tốt tại quê nhà. Nhu cầu tự lực về công nghệ của chính phủ Trung Quốc có thể hỗ trợ Huawei về lâu dài nếu cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn.

Ra hệ điều hành HarmonyOS, Huawei kỳ vọng hướng đi mới vượt qua cấm vận Mỹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.