Hạt cây củ đậu có độc tính như thế nào?

Lê Cầm
Lê Cầm
18/11/2023 04:04 GMT+7

Hạt cây củ đậu (còn gọi là củ sắn) có độc tính do chứa rotenone, do vậy khi ăn phải hạt này có thể gây ngộ độc nghiêm trọng.

Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Vĩnh Phúc ngày 16.11 cho biết, đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho 3 trường hợp là anh V. (34 tuổi), cùng 2 con (trú tại Kim Long, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc) có các biểu hiện ngộ độc như buồn nôn, nôn, chóng mặt sau khi ăn hạt cây củ đậu.

Anh V. cho biết vào chiều cùng ngày, anh ra vườn nhà thấy cây củ đậu có hạt, anh đã hái và luộc ăn trong bữa cơm tối. Hai con anh ăn thử thấy đắng nên không ăn nữa, riêng anh V. ăn nhiều hơn. Khoảng 15 phút sau khi ăn, anh V. xuất hiện các hiện tượng buồn nôn, nôn, chóng mặt, nên vợ anh đã đưa anh cùng 2 con vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để cấp cứu.

Nhờ được cấp cứu kịp thời, tình trạng sức khỏe của anh V. hiện tại đã ổn định. Hai con của anh V. do ăn ít, các dấu hiệu ngộ độc không rõ ràng, đã được chuyển sang khoa Nhi để tiếp tục theo dõi.

Hạt của củ đậu có độc tính như thế nào? - Ảnh 1.

Hạt củ đậu có độc tính do chứa rotenone

BVCC

Hạt của củ đậu chứa rotenone có độc tính

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng Bộ môn Dược học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết hạt của củ đậu (còn gọi là củ sắn) có độc tính do chứa rotenone.

"Rotenone được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) coi là một hợp chất có độc tính trung bình đối với con người. Việc ăn phải hạt củ đậu có thể gây ngộ độc nghiêm trọng, dẫn đến tử vong. Vì vậy, hạt củ đậu không thể ăn một cách trực tiếp", tiến sĩ Triết lưu ý.

Tuy nhiên, hàm lượng protein, lipid, Fe và Ca trong hạt củ đậu cao hơn so với các cây họ đậu khác. Một nghiên cứu cho thấy thành phần axit amin (isoleucine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, tyrosine, threonine, valine và histidine) có sự cân bằng tốt hơn so với các loại hạt khác và kết luận rằng hạt củ đậu có thể là một loại hạt chứa nguồn protein có chất lượng dinh dưỡng cao. 

Các nghiên cứu nhằm làm giảm lượng rotenone trong hạt củ đậu đã được tiến hành, bao gồm sấy khô, rang, luộc, chiên và chiết rượu. Sấy khô và rang được cho là phương pháp phân hủy hiệu quả nhất, có thể phân hủy tới 80% rotenone trong hạt.

"Khả năng sử dụng hạt như thức ăn vẫn còn rất hạn chế do hàm lượng rotenone trong hạt của củ đậu thường không giảm đến mức an toàn. Do đó, người dân không nên ăn các loại hạt lạ khi chưa hiểu rõ cách chế biến cũng như độc tính của nó", tiến sĩ Triết khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.