Hát ư! Rất được.
Gia đình có dịp đoàn tụ, sau màn ăn uống là: “Đi hát nhé!”, “Cùng hát nhé!”. Đi hát, tới phòng karaoke là tất nhiên. Còn cùng hát thì dàn máy của mình đấy! Chồng hát, vợ hát, con hát… có khi cùng song ca, có khi lại tam ca, tứ ca hoặc đồng ca. Thích lắm cơ! Và hát, với tinh thần thế, không khí thế thì gọi là gì đây?
Đúng rồi. Hát để thêm vui.
Có những đam mê hồi trẻ vì lý do này hay lý do khác, khuất lấp. Nhưng, thêm tuổi thêm những bộc lộ. Hát, chẳng hạn.
Hát hay, mê rất phải mà hát dở, mê cũng chẳng sao!
Hát hay, người hát không chỉ đáp ứng được sự yêu thích của chính mình mà còn đem lại sự rung động cho người nghe. Còn hát dở, mình tự sướng thỏa cũng đâu chết ai. Bởi hát, nói cho cùng vẫn là một cách để giãi bày để tâm sự. Qua âm nhạc, chúng ta nói lên tiếng lòng của mình. Khi có nỗi niềm, những ẩn trắc, hãy nghe lời tôi nhé! Hát. Hát cho xé giọng, vỡ tiếng. Để trọn vẹn một cảm giác là những thứ quái quỷ gì đấy mà. Lâu nay, vẫn đeo cứng lấy mình hành hạ mình đang bể tan, nát vụn ra. Thế là tâm hồn mình tự nhiên được nhẹ nhõm ngay. Có ý nghĩ mọi đau khổ, dằn vặt vừa được bứt ra khỏi mình.
Có hai người đã nghe lời tôi và thực hiện. Người thứ nhất là bà chị họ và người thứ hai, là một cô bạn. Bà chị họ có ông chồng thiếu chung thủy, thường xuyên ngoại tình. Buồn lắm và uất lắm! Cứ giữ rịt sự muộn phiền, đớn đau trong lòng. Giữ, đến độ trầm cảm. Rồi một ngày, chồng ở chỗ cô bồ và các con chơi bời đâu đó. Nhà vắng tênh và cô đơn đong đầy. Thế là mở dàn karaoke, đeo kính lão vào và hát. Chẳng cần đúng sai, cứ giọng khi cao lúc thấp, cứ âm đục âm trong, tha hồ mà thổ lộ. Sau, một lần như thế là có những khoảng thời gian được vợi bớt được nguôi ngoai. Và, sau mỗi lần xả tress bằng hát hò như vậy, bà chị tôi thấy cuộc đời đỡ héo úa hơn, đỡ nặng nề hơn. Và nhận ra mình cũng dễ chịu đựng hơn.
Với cô bạn tôi, vấn đề lại nằm ở chính cuộc hôn nhân quá nhiều khập khễnh của mình. Những năm tháng chung sống vợ chồng, bởi đó, là một xâu chuỗi những mâu thuẫn với quá nhiều những tổn thương… Vì các con rồi dằng dịt bao mối quan hệ, cô ấy cứ đã phải câm nín mãi. Cứ cất và chất đầy ăm ắp trong tâm hồn mình những sầu buồn khốn nhục đến độ, cô ấy gần như phát điên. Vậy sao không hát? Mỗi lần đám bạn tụ họp, như đã biết chừng mỗi đứa tụi tôi chỉ hát một bài cò mồi, còn cho cô đây bao hết. Cứ để cho cô ấy thỏa sức mà hát. Hát, bắt đã đời. Hát hết nổi. Hát, đến khi hết muốn hát. Thì rủ nhau về. Mà hay quá! Diệu kỳ quá! Trước khi hát cô ấy kêu đau đầu nhức óc. Sau khi hát, cô ấy nói cái đầu nó hết buốt, nó nhẹ bẫng mà cái tâm mình nó cũng thoải mái ghê.
Hát như thế, quả thật, là bớt buồn.
Chị Nhung, người tôi quen kể câu chuyện của chị ấy, như thế này:
Gia đình chồng chị vốn đông người mà ai cũng khó tính, xét nét… Nên, về làm dâu nhà đó giờ phút nào là chị Nhung ngộp thở giờ phút ấy. Đã thế, anh lại vắng nhà thường xuyên. Thoảng khi anh về, chị rất muốn kể lể cho đỡ tức tưởi, tức bực, tức giận. Nhưng sợ chồng buồn và uổng phí mấy ngày hạnh phúc, hiếm hoi bên nhau. Thế là tiếp tục chịu đựng tiếp tục bị đè nén. Cũng may, mà chị phát hiện ra một cách xả bớt… Ấy! Là một lần chị vào nhà tắm và hát bất kể. Vừa tắm vừa hát và thấy, sau đấy không những người mình được mát mẻ mà cái tâm hồn mình cũng đỡ đi nhiều phần bức bối, gay gắt. Thế là, hát. Chẳng cần phòng karaoke máy lạnh. Chẳng cần tụ điểm “hát với nhau”. Chẳng váy xống, giày vớ, trang điểm. Chỉ cần nhà tắm với mọi thứ trên người mình được cởi bỏ. Thích quá! Khi được ngất ngưởng và đằm sâu, thiết tha và da diết. Mà ngân giọng buồn mà ngập giọng đau mà tỉ tê mà sướt mướt: Hát. Đã quá! Khi mình trần thân trụi, tự nhiên bày phơi và hồn nhiên: Hát. Để tránh mọi người trong nhà có thể nghe rồi bắt bẻ, chị xả nước xuống xô chậu, rổn rảng và ầm ào. Và, gọi đó nhạc cụ.
Nhờ luyện thanh kiểu độc đáo này, giọng chị lên rõ rệt. Bạn bè “ồ” kinh ngạc. Còn anh mắt tròn xoe. Được khen, chị càng chí thú hơn với cái nhà tắm của mình. Thêm nữa, bố mẹ rồi các anh chị em chồng càng lúc càng quá quắt. Thế nên, có ngày chị trần trụi thân hình và ngửa cổ, cất cao giọng trên sân khấu của mình, đến vài lần cơ đấy!
Bí mật ấy theo chị được gần năm, thì, một hôm mọi thứ tanh bành hết. Chẳng là bữa đó, chị cũng đã mở vòi nước hẳn hoi rồi mới hát. Đang ngân nga tới câu: “… Bão tố triền miên ngày em về nhà đó…” (*) tự nhiên nước cúp và giọng chị cùng với lời bài hát, lọt hẳn ra bên ngoài. Ngay tối ấy, có một phiên họp gia đình với bao nhiêu là phân tích và chỉ trích. Mọi người đều bảo là: chị ghét bỏ nhà chồng, căm thù nhà chồng, muốn lăng nhục, rủa xả nhà chồng mà không dám nên phải mượn tới câu hát đó.
Hát thế có khác gì chửi? Ấy là, kết luận của nhà chồng chị Nhung. Nhưng tôi lại có ý lạc quan, khi cho rằng: “Hát để được ra đi”. Vì, đi thật. Chẳng là sau đó, chồng chị có về thăm nhà và rõ chuyện. Anh rất phẫn nộ. Chẳng lẽ, chỉ bởi một câu hát ngẫu nhiên mà vợ mình bị quy chụp, bị hiếp đáp đến thế sao! Nên, quyết định tách ra ở riêng và họ đi ngay giữa một khuya đêm, có gió to và mưa lớn.
Sau đó, chị Nhung hết hát hẳn.
(*)Lời trong bài: Cỏ úa của Lam Phương.
N.M.N
>> Có một người đứng ngang bậc cửa - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Lặng im cuối ngày" - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
>> Người đàn bà của tôi" - Truyện ngắn của Nguyễn Mỹ Nữ
Bình luận (0)