Hạt giống Trung Quốc đem lên Mặt trăng đã nảy mầm

Thu Thảo
Thu Thảo
15/01/2019 21:54 GMT+7

Hạt giống do tàu thăm dò Hằng Nga 4 (Chang'e 4) của Trung Quốc mang lên Mặt trăng vừa nảy mầm. Đây là trường hợp vật chất sinh học đầu tiên phát triển trên Mặt trăng.

Theo CNBC, tàu Chang'e 4 gây chú ý vào đầu tháng này sau khi trở thành tàu đổ bộ đầu tiên hạ cánh thành công ở nửa tối của Mặt trăng, tức phần luôn quay lưng lại với Trái đất và không được nhìn thấy từ Trái đất. Mới đây, bức ảnh do Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) công bố cho thấy thêm một hạt bông vừa nảy mầm trong một hộp kín.
Hình ảnh của CNSA được tờ People’s Daily chia sẻ trên Twitter hôm nay 15.1. Tờ báo cho biết trong bài đăng rằng tin tức này đánh dấu “sự hoàn thành thí nghiệm sinh học đầu tiên của con người trên Mặt trăng”.
Hình ảnh và thông tin về hạt giống nảy mầm trên Mặt trăng do People's Daily đăng tải Ảnh: Twitter
Tờ South China Morning Post đưa tin Giáo sư Liu Hanlong thuộc Đại học Trùng Khánh, người dẫn đầu nghiên cứu, nói rằng hạt khoai tây và hạt cải dầu cũng đã nảy mầm, nhưng hạt bông là hạt giống đầu tiên nảy mầm. Trong khi những loại cây như rau ăn lá và cúc zinnia từng lớn lên tại Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS), chưa có hạt giống nào nảy mầm và lớn lên trên Mặt trăng.
Bước đột phá này có thể mở đường cho cuộc sống sinh học trên Mặt trăng trong môi trường kín. Ông Liu cho rằng khoai tây có thể được dùng làm nguồn thực phẩm chính cho các nhà thám hiểm không gian, trong khi bông thì được dùng để làm quần áo. Hạt cải dầu có thể được dùng để sản xuất dầu.
Thông tin nêu bật tham vọng thám hiểm không gian của Trung Quốc. Nước này kỳ vọng đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa vào năm 2020, và thực hiện các nhiệm vụ có phi hành gia đến Hành tinh đỏ sau đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.