Hầu hết nghề đều có thể đào tạo mô hình 9+

27/11/2020 14:30 GMT+7

Theo các khách mời của cuộc tọa đàm gần đây trên truyền hình trực tuyến của Báo Thanh Niên, trừ một số nghề đặc thù, hầu hết các nghề đều có thể đào tạo theo mô hình 9+.

Trong cuộc tọa đàm gần đây trên truyền hình trực tuyến với Báo Thanh Niên, ông Vũ Văn Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị đã chia sẻ một số nội dung xoay quanh mô hình vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh trường nghề, còn gọi là mô hình 9+.
Ông Hà cho biết 9+ là một cách gọi cho một mô hình đào tạo nghề nghiệp theo hình thức liên thông mà đầu vào là học sinh tốt nghiệp THCS. Trước đây, mô hình được thực hiện lác đác ở một số trường, nhưng do tính hiệu quả của nó nên mô hình được lan tỏa, hiện tại cả nước có khoảng hơn 400/700 trường đào tạo chương trình 9+. Mô hình này không chỉ là giải pháp phân luồng rất tốt mà còn cung cấp cho thị trường lao động lực lượng lao động vừa trẻ vừa có kỹ năng nghề.
Tuy nhiên, trong số các yếu tố tác động tới sự lan tỏa của mô hình 9+, cũng phải kể đến các chính sách nhằm phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó có chính sách miễn học phí học nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS học lên trung cấp.
Theo ông Hà, một trong những dấu mốc thành công của mô hình 9+ là được thể chế hóa trong luật Giáo dục 2019. Theo đó, trường nghề vừa được đào tạo nghề, vừa được dạy văn hóa. Điều này tạo điều kiện cho người học tốt nghiệp THCS có thể rẽ ngang học nghề, đồng thời vẫn được học lên đáp ứng được nguyên tắc liên thông theo khung trình độ quốc gia từ sơ cấp lên trung cấp lên cao đẳng lên đại học theo nhu cầu người học, theo điều kiện hoàn cảnh của người học tùy từng thời điểm.
Ông Hà nêu ví dụ: “Em A chẳng hạn, trong thời điểm đó chưa có điều kiện nên chưa đi học ở bậc cao hơn, thì em cứ học dần dần từng bước. Bởi nguyên tắc được đặt ra trong luật là hệ thống giáo dục quốc dân liên thông theo cơ chế thiếu gì học nấy. Thiếu kiến thức văn hóa thì bổ sung kiến thức văn hóa; thiếu kỹ năng nghề nghiệp thì bổ sung kỹ năng nghề. Đồng thời tạo ra cơ chế học tập suốt đời cho người dân, tạo ra hệ thống giáo dục nghề nghiệp - giáo dục quốc dân linh hoạt, rộng mở”.
Ông Hà cũng chia sẻ, danh mục đào tạo trình độ trung cấp hiện có hơn 800 ngành nghề. Vì thế, khi áp dụng mô hình 9+, nếu triển khai tốt thì ngành nghề nào cũng có thể đào tạo và đào tạo hiệu quả. Phần lớn hiện nay mô hình 9+ tập trung nhóm ngành du lịch, dịch vụ, cơ khí, điện, điện tử, là bởi xã hội đang khát nhân lực có kỹ năng các nghề này.
“Với những nghề đặc thù, thì có 2 cực trong đào tạo kỹ năng. Hoặc là đào tạo càng sớm càng tốt, ví dụ như nghệ thuật. Nhưng cũng có những ngành nghề đòi hỏi nền tảng kiến thức văn hóa phải cao hơn kiến thức THCS, thì người học mới đủ năng lực học kỹ năng nghề, ví dụ nghề cơ khí chính xác. Hoặc các nghề trong lĩnh vực về sức khỏe, cũng cần người học có trình độ văn hóa cao mới có thể tiếp thu kiến thức chuyên môn của ngành nghề đó”, ông Hà nói.
Thực hành xây gạch của học sinh Trường cao đẳng nghề Xây dựng công trình đô thị. Ảnh: Trần Long

Thực hành xây gạch của học sinh Trường cao đẳng nghề Xây dựng công trình đô thị

Ảnh: Trần Long

Việc học nghề thuận lợi cho học văn hóa

Đại diện cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, ông Bùi Hồng Huế cho biết, học nghề - làm nghề ngày nay rất khác học nghề - làm nghề trước đây. Vì thế, trong suy nghĩ của nhiều phụ huynh, khi cho con đi học nghề là phải chấp nhận con có một tương lai lam lũ vất vả, suốt đời sống trong hình hài quần áo lem luốc hoặc chân lấm tay bùn… “Nhưng thời đại 4.0 này đã khiến cho chúng ta có rất nhiều nghề mà người thợ không chỉ phải có kỹ năng mà còn cần có trí tuệ. Ví dụ, người thợ ngày nay phải có khả năng lập trình trên máy gia công CNC, hoặc phải sử dụng được các thiết bị điều khiển tự động hóa… Rồi một số nghề liên quan tới lĩnh vực du lịch - khách sạn đòi hỏi người lao động phải có tính chủ động và tính chuyên nghiệp rất cao”, ông Huế nói.
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, các trường nghề đều nỗ lực xây dựng chương trình đào tạo để làm sao sau 3 năm học, học sinh thu được những lợi ích lớn hơn 2 tấm bằng. Các em có kiến thức, có kỹ năng, có đáp ứng được thị trường lao động không, là mục tiêu của các trường nghề. Nên các trường đều phải tìm cách nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, xây dựng chương trình đào tạo hợp lý. “Muốn vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hóa thành công thì phải có sự tích hợp giữa chương trình giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp. Đơn cử, có rất nhiều bài học về điện của môn vật lý lớp 11, 12 tương đồng với kiến thức nghề điện học sinh học trung cấp điện hệ 9+. Nhờ thế, học sinh trường tôi khi học văn hóa hiểu bài nhanh và chắc, vì thời lượng các em được làm thí nghiệm bên trường nghề chắc chắn là gấp nhiều lần nếu chỉ học ở trường THPT”, ông Huế nói.
Theo ông Huế, về cơ bản, các doanh nghiệp chủ yếu quan tâm tới thái độ, kỹ năng nghề của người lao động khi tuyển dụng. Nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp vẫn yêu cầu người lao động phải có bằng tốt nghiệp THPT. Đây sẽ là một trong những thiệt thòi cho học sinh nếu các em học 9+2, vì với chương trình này các em sẽ không có bằng tốt nghiệp THPT dù đã có bằng trung cấp nghề.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.